Chịu nhiều trừng phạt nhưng nước Nga không dễ bị cô lập 

Dù Nga đã trở thành quốc gia chịu nhiều biện pháp trừng phạt nhất của Mỹ và phương Tây nhưng để cô lập nước này thì không phải là điều dễ dàng.

Thượng đỉnh các quốc gia ven Biển Caspi: Tung tuyên bố chung, Iran muốn hợp tác với Nga. (Nguồn: Anadolu)

Trong tuần, Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm hai quốc gia Trung Á là Tajikistan và Turkmenistan. Ông còn dự hội nghị thượng đỉnh các quốc gia Caspi gồm Nga, Azerbaijan, Kazakhstan, Iran và Turkmenistan.

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Nga kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát. Trong bối cảnh bị cấm vận ngặt nghèo, đây là cơ hội để Nga chứng tỏ mình không bị cô lập bất chấp các lệnh trừng phạt.

Thực tế thì trên một số mặt Nga đã đối phó khá hiệu quả với các lệnh cấm vận. Dù Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt tới sáu gói trừng phạt nhằm bóp nghẹt nguồn thu từ dầu lửa của Nga, nhưng theo Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt của nước này dự tính sẽ tăng thêm khoảng 14,4 tỷ USD trong năm nay.

Vấn đề là Nga đã tìm được những đối tác thay thế. Theo thống kê, nguồn cung dầu lửa của Nga cho Trung Quốc trong tháng Năm vừa qua đã tăng 55% so với năm ngoái. Với Ấn Độ, chỉ trong vòng một tháng qua, lượng dầu mỏ nước này mua của Nga đã tăng 31 lần.

Không những thế, Ấn Độ còn cho rằng phương Tây không công bằng khi vẫn mua khí đốt của Nga nhưng lại ngăn cản New Delhi mua dầu lửa của Moscow. Ấn Độ thậm chí còn nhắc khéo châu Âu rằng không nên coi vấn đề của mình (cấm vận Nga) là của cả thế giới.

Viễn cảnh kinh tế Nga sẽ sớm sụp đổ đã không xảy ra. Hiện Washington và Brussel đánh giá rằng phải đến mùa Thu hoặc năm sau, tác động của cấm vận với Nga mới rõ.

Còn Nga thì khẳng định mình sẽ không bị cô lập. Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov tỏ ra tự tin khi tuyên bố: “Thế giới quá rộng lớn để châu Âu và Mỹ có thể cô lập một quốc gia, nhất là với một quốc gia lớn như Nga”.

Nguồn baoquocte