Ấn Độ giải cứu 40 công nhân mắc kẹt trong vụ sập hầm

Do những vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình cứu hộ, vào ngày thứ 5 sau khi xảy ra sự cố, “phương án hai” đã được áp dụng để giải cứu 40 công nhân mắc kẹt.

Ngày 16/11, một cỗ máy khoan hạng nặng khối lượng 25 tấn do Mỹ sản xuất đã được chuyển đến hiện trường vụ sập hầm xảy ra sáng ngày 12/11 tại bang Uttarakhand, để giải cứu 40 công nhân bị mắc kẹt bên trong đường hầm.

Hoạt động cứu hộ đã gặp trở ngại vào ngày 15/11, sau khi phương pháp loại bỏ đất bằng máy xúc, kết hợp phun bê tông áp lực cao tỏ ra không triệt để trong việc ngăn chặn đất đá tiếp tục rơi xuống từ trần đường hầm.

 Máy khoan được vận chuyển bằng máy bay vận tải quân sự từ 1 căn cứ không quân ở New Delhi. Ảnh: IAF.

Lực lượng cứu hộ chuyển sang phương án 2 với kỹ thuật không đào, sử dụng máy khoan hạng nặng khoan ngang, tạo một đường thoát lắp ghép bằng ống thép đường kính 0,9m, xuyên qua đống đất đá sụp lở dài 60 m, để giải cứu số công nhân đang mắc kẹt bên trong đường hầm.

Ba chiếc máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules của Không quân Ấn Độ đã chở các cấu kiện của cỗ máy khoan từ Căn cứ không quân Hindon ở New Delhi, đã hạ cánh xuống đường băng Chinyalisaur vào chiều ngày 15/11 và ngay sau đó được chuyển đến hiện trường bằng xe tải .

 Máy khoan được đưa đến hiện trường vào chiều ngày 15/11. Ảnh: Reuters.

Cùng với các chuyên gia địa chất, hạ tầng giao thông và lực lượng quân đội, chiến dịch giải cứu cũng được bổ sung các đội cứu hộ từ Na Uy.

Ngoài ra, một công ty cứu hộ ở Thái Lan đã được liên hệ. Đây chính là công ty đã giải cứu 13 thành viên đội bóng nhí bị mắc kẹt sau mưa lớn khi tham quan hang Tham Luang Nang Non ở tỉnh Chiang Rai vào cuối tháng 6 đầu tháng 7/2018.

 Bên trong đường hầm bị sập. Ảnh: Reuters.

Theo các chuyên gia, với tốc độ khoan 4-5m/h, hoạt động cứu hộ kỳ vọng sẽ kết thúc thành công trong ngày 16/11.

Sự cố xảy ra sáng sớm ngày 12/11, ở bang Uttarakhand, một bang miền núi có nhiều ngôi đền Hindu thu hút các tín đồ hành hương và khách du lịch.

 Những ống thép đường kính 0,9 m được lắp đặt sau khi khoan để tạo lối thoát cho những công nhân bị mắc kẹt. Ảnh: Reuters.

Các công nhân bị mắc kẹt đang xây dựng con đường đường hầm dài 4,5 km, nối Silkyara với Dandalgaon, một phần của dự án mạng lưới đường Chardham của chính phủ nhằm kết nối các ngôi đền linh thiêng đạo Hindu trong khu vực.

Bước sáng ngày thứ 5 sau khi sự cố xảy ra, cùng với việc tiếp tục cung cấp thực phẩm và ô xy bổ sung, việc liên lạc từ bên ngoài với các công nhân bị mắc kẹt vẫn được duy trì, trong đó các công nhân được nói sức khỏe ổn định.