Vì đâu Thủ tướng Đức nói quyền phủ quyết quốc gia của các thành viên EU là 'ích kỷ'? 

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, nếu muốn duy trì vai trò dẫn dắt trong các chính sách toàn cầu, Liên minh châu Âu (EU) không thể giữ quyền phủ quyết quốc gia khi quyết định về các chính sách an ninh và đối ngoại của khối.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Nguồn: EPA-EFE)

Trong một bài viết trên báo FAZ của Đức số ra ngày 17/7, Thủ tướng Scholz nhận định, tình trạng mất đoàn kết và bất đồng thường xuyên giữa các quốc gia thành viên khiến châu Âu suy yếu.

Do vậy, câu trả lời quan trọng nhất của châu Âu trong bối cảnh xung đột hiện nay ở Ukraine là sự đồng lòng quyết tâm - điều cần được tiếp tục duy trì và củng cố.

Thủ tướng Đức nói rõ: "Sự mất đoàn kết vĩnh viễn, bất đồng vĩnh viễn giữa các quốc gia thành viên làm suy yếu chúng ta. Đó là lý do tại sao phản ứng quan trọng nhất của châu Âu đối với sự thay đổi của thời đại là: Sự đoàn kết. Chúng ta nhất thiết phải duy trì nó và phải làm sâu sắc hơn".

Theo ông Scholz, đối với ông, điều đó có nghĩa là các nước thành viên "chấm dứt sự phong toả ích kỷ đối với các nghị quyết của châu Âu, chấm dứt hành động đơn phương làm tổn hại tổng thể châu Âu".

Nhà lãnh đạo khẳng định: "EU không thể giữ quyền phủ quyết quốc gia, chẳng hạn như trong chính sách đối ngoại, nếu châu Âu còn muốn được lắng nghe trong một thế giới của các cường quốc cạnh tranh nhau".

Trong những tháng tới, Đức sẽ đưa ra những đề xuất cụ thể về chính sách di cư chung của châu Âu, việc xây dựng nền quốc phòng châu Âu, chủ quyền công nghệ và sự kiên cường của nền dân chủ.

Xung đột ở Ukraine đã khiến Đức có thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng sau nhiều thập kỷ dè dặt về quân sự, đồng thời khiến Berlin hướng tới một chính sách đối ngoại tích cực hơn ở quy mô toàn cầu, đặc biệt có lợi thế khi nước này giữ chức Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong năm nay.

Nguồn baothegioi (theo Reuters, A News)