Tổng thống Nga - Mỹ đồng loạt ra tuyên bố về vũ khí hạt nhân
Tình hình Tổng thống Nga sau vụ tấn công vào Điện Kremlin
Tổng thống Nga Putin nêu nguyên nhân căng thẳng với Mỹ
Ông Putin ký luật đình chỉ hiệp ước vũ khí hạt nhân New START
Tổng thống Nga - Mỹ đồng loạt ra tuyên bố về vũ khí hạt nhân hôm 1/8. Nguồn ảnh: Sputnik
Trong một tuyên bố đưa ra trước thềm phiên khai mạc hội nghị các nước tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) được tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Washington sẵn sàng thảo luận với Nga về thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới để thay thế cho hiệp ước New START (hay còn gọi là START 3), và yêu cầu Moscow phải chứng tỏ sự sẵn sàng phối hợp.
Trong tuyên bố này, Tổng thống Biden cũng đưa ra lời chỉ trích đối với Nga, nói rằng chính Moscow "đã phá hủy hòa bình ở châu Âu" bằng chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, tấn công vào "các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế".
"Trong bối cảnh này, Nga nên chứng tỏ rằng họ sẵn sàng nối lại việc kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ" - Tổng thống Biden phát biểu hôm 1/8.
Nga và Mỹ đã ký hiệp ước New START vào năm 2010, sau đó đồng ý gia hạn thêm 5 năm vào hồi tháng 2/2021, đến ngày 5/2/2026. Theo đài RT, trong khi Moscow liên tục kêu gọi Mỹ gia hạn thỏa thuận New START thêm 5 năm một cách vô điều kiện, Washington đã đưa ra nhiều đề xuất về việc sửa đổi, cụ thể là thúc giục Trung Quốc tham gia.
Lời kêu gọi với Bắc Kinh cũng đã được ông Biden đưa ra hôm 1/8: "Trung Quốc cũng có trách nhiệm với tư cách là một quốc gia có vũ khí hạt nhân tham gia NPT, và là thành viên của P5 (5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc) tham gia vào các cuộc đàm phán nhằm giảm thiểu các nguy cơ tính toán sai lầm và giải quyết các chuyển động quân sự gây bất ổn".
Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đưa ra bình luận trong một bức thư gửi những người tham gia hội nghị rà soát NPT, nói rằng "sẽ không có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân", và cuộc chiến này "không bao giờ được phép nổ ra".
Ông Putin đặc biệt nhấn mạnh, tất cả các quốc gia tuân thủ các yêu cầu của hiệp ước NPT "phải có quyền tiếp cận năng lượng hạt nhân hòa bình mà không cần thêm bất kỳ điều kiện nào".
Nhà lãnh đạo Nga cũng khẳng định, với tư cách là một quốc gia thành viên của NPT, Nga "nhất quán tuân theo tinh thần và văn bản của Hiệp ước". Các nghĩa vụ của Nga theo các thỏa thuận song phương với Mỹ về việc cắt giảm và hạn chế vũ khí liên quan cũng đã được thực hiện đầy đủ.
Phát biểu tại Hội nghị rà soát NPT ngày 1/8, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo căng thẳng địa chính trị gia tăng trên khắp thế giới đã đẩy nhân loại đến trước nguy cơ bị xóa sổ bởi vũ khí hạt nhân hơn bao giờ hết.
"Nhân loại đang dần quên đi những bài học từ sự việc tại Hiroshima và Nagasaki. Căng thẳng địa chính trị đang gia tăng. Cạnh tranh lấn át sự hợp tác. Sự ngờ vực đã thay thế đối thoại và sự mất đoàn kết đã thay thế việc giải trừ quân bị" - ông Guterres nói, kêu gọi các quốc gia trên thế giới "đưa nhân loại đi trên một con đường mới hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân".
Nguồn kinhtedothi