Nga giải thích lý do không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine

Moskva nói rằng học thuyết hạt nhân của họ rất rõ ràng và cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine không đáp ứng bất kỳ tiêu chí nào.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat trong vụ phóng thử nghiệm từ Sân bay vũ trụ Plesetsk, Nga

Người đứng đầu phái đoàn của Moskva tham dự hội nghị đánh giá Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) của Liên hợp quốc tại New York, ông Andrey Belousov ngày 5/8 cho biết những cáo buộc về việc Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Ukraine là “không thể xác nhận và vô căn cứ”.

“Điều này là không thể vì các hướng dẫn học thuyết của Nga giới hạn nghiêm ngặt các tình huống khẩn cấp trong đó giả định có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, cụ thể là đối phó với hành động gây hấn liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt, hoặc đối phó với hành động gây hấn liên quan đến vũ khí thông thường, nơi mà sự tồn vong của quốc gia bị đe dọa”, đài RT dẫn lời giải thích của ông Belousov.

Quan chức này tuyên bố: “Không có kịch bản giả định nào phù hợp với tình hình ở Ukraine”.

Nhà ngoại giao Nga cũng bác bỏ những lời bóng gió về việc Moskva đặt lệnh răn đe hạt nhân ở trạng thái “cảnh giác cao độ”, giải thích rằng tình trạng “tăng cường cảnh giác” hiện nay, với các nhân sự bổ sung làm nhiệm vụ tại các sở chỉ huy chiến lược, là “hoàn toàn khác” so với “tình trạng thực tế cảnh giác cao độ của các lực lượng hạt nhân chiến lược ”.

Mặc dù ông Belousov không nêu tên những người đưa ra cáo buộc Nga, nhưng phản ứng của ông được đưa ra sau khi phái đoàn Ukraine tham dự hội nghị NPT hôm 3/8 cáo buộc Moskva theo "chủ nghĩa khủng bố hạt nhân" và "công khai đe dọa thế giới bằng khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân", trích dẫn phát ngôn của “các phương tiện truyền thông, các tổ chức tư vấn và các chuyên gia Nga”.

Hôm 1.8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng cáo buộc Nga "liều lĩnh và nguy hiểm rút thanh kiếm hạt nhân" trước "những người ủng hộ quyền tự vệ của Ukraine."

Nhà ngoại giao Belousov lập luận rằng bất kỳ cảnh báo nào về “nguy cơ chiến tranh hạt nhân nghiêm trọng” từng được các quan chức Nga thực tế đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine luôn hướng về NATO, như một cách để ngăn chặn các nước phương Tây gây hấn trực tiếp, vì họ đã “tới một cách nguy hiểm bênrìa một cuộc đối đầu vũ trang trực tiếp với Nga. ”

Trong bức thư gửi những người tham gia hội nghị NPT hôm 1.8, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc lại rằng sẽ không có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và nó không bao giờ được phép xảy ra.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần này đã tuyên bố rằng Washington sẵn sàng đàm phán khẩn cấp “một khuôn khổ kiểm soát vũ khí mới” với Moskva. Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Mỹ vẫn chưa đưa ra bất kỳ đề xuất nào liên quan đến một thỏa thuận có khả năng thay thế Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược.

Hiệp ước New START vẫn là thỏa thuận kiểm soát vũ khí lớn duy nhất giữa Moskva và Washington vẫn còn hiệu lực. Vào đầu năm 2021, thỏa thuận sắp hết hạn, nhưng cuối cùng nó đã được cứu vãn ngay sau lễ nhậm chức của Tổng thống Biden, khi Washington cuối cùng cũng đồng ý với lời kêu gọi của Moskva về gia hạn thỏa thuận mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. New START sẽ hết hạn vào năm 2026.

Theo báo Tin tức