Khai mạc Khóa họp lần thứ 50 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
Phiên họp với nhiều nội dung đáng chú ý của Đại hội đồng Liên hợp quốc
Mỹ đối đầu với Nga - Trung tại Liên hợp quốc về tên lửa Triều Tiên
'Mượn' sân khấu Liên hợp quốc, bộ tứ I2U2 nhóm họp trực tiếp lần đầu tiên
Một phiên họp toàn thể của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngày 13/6, tại trụ sở Liên hợp quốc, Khóa họp lần thứ 50 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã khai mạc với sự tham dự của đại diện 47 nước thành viên và hơn 100 nước quan sát viên, các tổ chức quốc tế liên chính phủ và các tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Geneva.
Phát biểu tại phiên khai mạc khóa họp có Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền ông Federico Villegas (Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Argentina), Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc bà Michelle Bachelet, Phó Thủ tướng thứ ba phụ trách nhân quyền của Guinea Xích-đạo, Bộ trưởng Ngoại giao Sri Lanka và Bộ trưởng Điều phối an ninh, pháp lý và chính trị của Indonesia.
Trong Báo cáo của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc về tình hình nhân quyền hằng năm và tình hình ứng phó dịch bệnh COVID-19 của các quốc gia, bà Michelle Bachelet nhấn mạnh đây là thời điểm thách thức đối với việc bảo vệ quyền con người khi cuộc xung đột tại Ukraine tiếp tục khiến nhiều người chết và cơ sở hạ tầng bị phá hủy.
Bà khẳng định cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng không được đảm bảo về an ninh lương thực và đói nghèo, giá lương thực và năng lượng tăng cao đang đe dọa quá trình phục hồi từ đại dịch COVID-19, hủy hoại các tiến bộ đạt được trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, làm chậm các hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bà Michelle Bachelet kêu gọi các nước cần hành động mạnh mẽ ngay lập tức để giải quyết cuộc khủng hoảng nêu trên, xây dựng nền kinh tế xanh hơn và thích ứng tốt hơn với các cuộc khủng hoảng.
Bà Michelle Bachelet cũng nhấn mạnh tình trạng người dân ở các nước thu nhập thấp không được tiếp cận với vaccine COVID-19 và kêu gọi tiếp tục đảm bảo quyền tiếp cận với vaccine COVID-19 một cách công bằng; đồng thời lưu ý trong quá trình chống đại dịch COVID-19, các nước cần tiếp tục đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, hiện thực hóa quyền con người và đặt con người vào trung tâm của nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Một trong các chủ đề trọng tâm của Việt Nam tại Khóa họp 50 Hội đồng Nhân quyền là quyền con người trong biến đổi khí hậu.
Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines sẽ đồng tổ chức Phiên thảo luận chuyên đề về đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu; đồng thời, giới thiệu dự thảo Nghị quyết năm 2022 về biến đổi khí hậu và quyền con người, tập trung vào quyền lương thực và biến đổi khí hậu.
Đây là Nghị quyết được Việt Nam, Bangladesh và Philippines giới thiệu hàng năm kể từ năm 2014, để Hội đồng Nhân quyền xem xét, thông qua với trọng tâm mỗi năm tập trung vào từng chủ đề cụ thể (như quyền trẻ em, quyền sức khoẻ, quyền của người di cư, quyền phụ nữ… trong bối cảnh biến đổi khí hậu).
Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong việc xây dựng và thông qua Nghị quyết này cũng như trong các hoạt động của Nhóm nòng cốt phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần thực hiện chính sách đối ngoại chủ động, tích cực, có trách nhiệm với các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế.
Khóa họp 50 tiếp tục được tổ chức theo hình thức kết hợp giữa họp trực tiếp và trực tuyến, dự kiến sẽ kéo dài từ ngày 13/6 đến hết ngày 8/7, bao gồm nhiều phiên đối thoại và thảo luận: 9 phiên đối thoại với Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc; 8 phiên thảo luận chuyên đề về các chủ đề; và 27 phiên đối thoại với các Thủ tục đặc biệt; xem xét, thảo luận 76 báo cáo chuyên đề; thông qua Báo cáo Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của 12 nước.
Khóa họp sẽ tiến hành bổ nhiệm nhân sự cho 8 thủ tục đặc biệt. Quyền phụ nữ là ưu tiên lớn nhất tại Khóa họp lần này, với hầu hết các phiên thảo luận chuyên đề liên quan đến phụ nữ.
Dự kiến có 21 dự thảo nghị quyết được giới thiệu để Hội đồng Nhân quyền xem xét thông qua trong khóa họp này./.
Nguồn TTXVN/Vietnam+