Những vị trí "tố" một chiếc xe cũ từng bị đâm đụng mạnh

Với nhiều lý do khác nhau, những chiếc ô tô đã qua sử dụng vẫn luôn được đông đảo khách hàng tìm mua. Nhưng nếu không có kinh nghiệm, khách hàng rất dễ mua phải những chiếc xe từng bị tai nạn, đâm đụng.

"Tậu" xe cũ giúp tiết kiệm được một khoản chi phí khá lớn so với mua xe mới. Tuy nhiên, với những người ít kinh nghiệm có thể mua phải những chiếc xe từng đâm đụng, va chạm mà không biết, sau một thời gian sử dụng mới nhận ra thì đã quá muộn. 

Khách hàng mua ô tô cũ cần có nhiều kinh nghiệm để đánh gía chính xác tình trạng của chiếc xe. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Trao đổi với VietNamNet, anh Dương Trung Kiên - chủ một gara ô tô tại khu vực Nam Trung Yên (Hà Nội), có kinh nghiệm kinh doanh xe cũ hơn 10 năm cho rằng, nhiều thợ tay nghề cao hiện nay dễ dàng “phù phép” những chiếc xe gặp tai nạn trở nên mới “không tì vết”. 

Tuy nhiên, theo anh Kiên, việc nhận biết xe ô tô cũ từng bị tai nạn, va chạm không quá phức tạp bởi có một số chi tiết dù có làm kỹ đến đâu cũng không thể giấu được. Người mua hoàn toàn có thể nhận biết qua quan sát bằng mắt thường tại một số vị trí sau:

Kính chắn gió

Thông thường, kính chắn gió sẽ rất khó hỏng, nứt vỡ nếu không có một lực mạnh tác động. Do đó, nếu kính lái bị thay, bạn có quyền nghi ngờ chiếc xe đó từng bị tai nạn, đâm đụng mạnh.

Để nhận biết kính chắn gió đã bị thay hay chưa, có thể dựa vào thông số của kính ở góc dưới bên trái. Ví dụ nếu xe sản xuất năm 2010, thì hàng cuối cùng thường sẽ có số 0. Nếu xe sản xuất năm 2011 sẽ là số 1, tương tự 2012 sẽ là số 2… 

Con số cuối ở hàng dưới cùng trong cụm thông tin trên kính lái thường chỉ năm sản xuất.

Kính được thay mới sẽ không có số “VIN” trùng với năm sản xuất, đồng thời sẽ phải đi lại keo chỉ và nếu không phải đồ chính hãng, kính mới nhìn sẽ có nét “dại” hơn. Ngoài ra, nếu thấy xuất hiện những vết nứt trên kính thì có thể chiếc xe cũng từng bị tác động rất mạnh.

Không chỉ kính chắn gió phía trước mà kể cả kính sau và các cửa kính của xe, chúng ta đều có thể quan sát theo cách trên để kiểm tra độ nguyên bản của kính.

Mặt dưới nắp ca-pô

Sau khi chiếc xe bị va chạm mạnh ở phần phía trước, nếu như mặt trên nắp ca-pô dễ dàng được xử lý, sơn sửa lại thì phần mặt dưới của nắp ca-pô chính là nơi “tố cáo” tình trạng chiếc xe bởi ở đây có nhiều "xương" và các bộ phận phức tạp, không dễ làm lại được nguyên bản.

Mặt dưới nắp ca-pô bị biến dạng, móp méo chứng tỏ chiếc xe đã từng đâm ở phía trước. 

Những xe chưa từng va đụng thì mép cạnh mặt dưới nắp ca-pô sẽ thẳng, đều, không có dấu vết móp lõm hay chắp vá. Mép cạnh hai bên phải tương xứng với nhau, khi đóng lại không bị vênh. Các lỗ nhỏ trên xương của nắp ca-pô phải nguyên dạng, không bị méo.

Một yếu tố nhỏ cần xem xét đó là đường keo chỉ viền ở bên trong mép nắp ca-pô. Nếu keo chỉ đều, dùng tay ấn vào thấy có sự đàn hồi thì là keo chỉ “xịn” chính hãng. Còn nếu dùng tay ấn, đường keo chỉ kém đàn hồi, dễ thủng thì đồng nghĩa đường keo chỉ đã bị chạy lại, khi đó bạn có cơ sở để nghi ngờ xe đã từng bị đâm đụng.

Cốp sau xe

Phía trong cốp sau của xe chính lại là nơi "tố" chiếc xe đã từng va chạm mạnh từ phía sau. Tương tự nắp ca-pô, hãy mở cốp sau xe, lật thảm và tấm che cốp, quan sát từng chi tiết nhỏ, nhất là các góc cạnh, xem hai bên có đối xứng hay không, xem có vết gò, bả hay vết tích từng va chạm không. Đồng thời, quan sát mép cửa sau có đều và keo chỉ còn nguyên hay không.

Nếu có vết nắn, gò lại, đi lại keo chỉ thì gần như chắc chắn, chiếc xe đã bị va chạm mạnh từ phía sau. Dù thợ có khéo đến đâu thì những méo mó ở bên trong cốp cũng không thể nào khôi phục lại như nguyên bản được.

Cốp xe sẽ "tố cáo" nếu chiếc xe từng bị đâm mạnh từ phía sau.

Các mép, khe cửa

Vị trí các mép cửa, khe cửa cho thấy chiếc xe có thể từng bị va chạm, đâm đụng từ hai bên hông. Bởi khe cửa, nhất là mép cửa là vị trí rất dễ bị hư tổn nếu xảy ra va đụng.

Khe cửa, mép cửa của xe ô tô thường được dập trực tiếp tại nhà máy nên rất liền mạch, có sự chính xác cao và đều nhau. Nếu xe từng bị va đụng, mép cửa sẽ được gò lại bằng thủ công, dù có “khéo tay” đến mức nào thì phần mép và các khe cửa không thể đều nhau một cách tuyệt đối được.

 Nếu mép cửa xe bị cong vênh hoặc đi lại keo chỉ thì đó là dấu hiệu của việc chiếc xe từng bị đâm từ bên hông.

Ngoài ra, keo chỉ ở các cửa phải còn nguyên bản, nếu đã đi lại (keo chỉ không đều, lệch màu, đơ cứng,....), rất có thể cánh cửa đó đã từng bị va chạm và phải gò, bả lại. Bạn có thể mở các cửa khác nhau trên xe để có sự so sánh dễ dàng và chi tiết nhất.

Ngoài những chi tiết trên, anh Dương Trung Kiên cho rằng, một số vị trí khác như cản trước/sau, chắn bùn, đường viền, gân dập nổi trên thân xe,... có thể cũng cho thấy chiếc xe đã từng “hôn hít” khá nhiều và phải tân trang lại.

Hoàng Hiệp

Bạn có góc nhìn nào về nội dung trên? Hãy gửi ý kiến dưới phần bình luận của bài viết. Mọi câu hỏi tư vấn về sử dụng, mua bán xe xin gửi tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

5 bí kíp giúp bán ô tô cũ được giá hơnVẫn cùng một mẫu xe với tình trạng tương tự nhưng có người lại bán được giá rất cao, còn có người dù tìm đủ mọi cách vẫn bị người mua dìm giá. Vậy cần chú ý điều gì khi bán xe cũ?