Những kinh nghiệm hữu ích khi phải về quê ăn Tết bằng xe máy
Với tình hình kinh tế khó khăn như những năm vừa qua, không phải gia đình nào cũng có ô tô riêng hoặc dám rút hầu bao thuê một chiếc taxi, xe tự lái để về quê ăn Tết.
Cảnh chen chúc nhau khi đi xe khách mỗi dịp cao điểm cũng khiến nhiều người nôn nao, sợ hãi. Do đó, chấp nhận "rồng rắn" nhau về quê bằng xe máy được cho là phương án hợp lý, cơ động mà nhiều gia đình lựa chọn, nhất là với quãng đường cự ly ngắn và trung bình.
Theo các chuyên gia có kinh nghiệm, nếu buộc phải chọn xe máy cho chuyến về quê của mình, bạn cần chú ý một số điểm sau:
1. Chọn chiếc xe phù hợp, hoạt động tốt
Nếu gia đình bạn có nhiều hơn 1 chiếc xe máy, hãy lựa chọn chiếc xe nào đang vận hành tốt nhất, yên và cốp xe rộng rãi. Với những cung đường đẹp, bằng phẳng, một chiếc xe tay ga có sàn phía trước rộng là lựa chọn hàng đầu giúp gia đình bạn vừa ngồi thoải mái, vừa "tải" thêm được nhiều đồ đạc thiết yếu.
Một chuyến đi dài vài chục, thậm chí cả trăm km đòi hỏi bạn phải có một chiếc xe tốt và vận hành ổn định. Trước chuyến đi, bạn nên kiểm tra lại các bộ phận của xe như lốp, nhông-xích, đèn, dầu máy,… và kịp thời can thiệp nếu phát hiện vấn đề.
2. Sắp xếp hành lý gọn nhẹ nhất có thể
Thông thường khi cả gia đình về quê ăn Tết sẽ có một “núi đồ” muốn mang theo. Tuy nhiên, khi sử dụng xe máy thì việc tối giản hành lý và sắp xếp gọn gàng là rất quan trọng.
Hãy đảm bảo mọi thứ gọn nhẹ nhất có thể, ưu tiên những món đồ thiết yếu, cân nhắc bỏ lại những thứ không thực sự cần thiết. Xếp đồ gọn gàng còn giúp mọi người ngồi trên xe có tư thế thoải mái và an toàn nhất, tránh mệt mỏi trong hành trình dài.
Theo những người có kinh nghiệm, đồ đạc của gia đình, hàng cồng kềnh nên để chung vào một va-li to và buộc chặt phía sau xe. Còn những vật dụng gọn nhẹ thiết yếu khi đi đường như nước uống, giấy tờ xe, áo mưa,… nên cho vào một ba-lô nhỏ để phía trước để dễ dàng lấy ra khi cần. Lưu ý phía trước không nên để quá nhiều đồ vì có thể sẽ chạm vào tay lái, gây khó khăn khi điều khiển.
3. Mặc trang phục phù hợp
Khi đi xe máy đường dài, nhất là vào thời tiết mưa lạnh ở miền Bắc, rất cần có trang phục đủ ấm cho bản thân và các thành viên như áo khoác ấm, găng tay, khăn quàng cổ, tất chân, áo phản quang khi trời tối và chuẩn bị cả áo mưa ở vị trí dễ lấy để phòng khi thời tiết xấu.
Trang phục cũng ảnh hưởng đến sự thoải mái và tư thế ngồi của những người trên xe máy. Bạn nên mặc quần áo rộng rãi, có thể co giãn. Đồng thời, nếu có ví, điện thoại thì nên để vào ba-lô chứ không nên đút trong túi quần, sẽ gây cấn chật khó chịu khi ngồi lâu.
4. Đổ đầy bình xăng từ trước
Với nhiều đồ đạc phải chằng buộc, sẽ rất bất tiện khi phải dừng giữa chừng để đổ xăng. Do đó, một kinh nghiệm rất nhỏ nhưng cũng cần lưu ý là bạn nên đổ đầy bình xăng trước khi bắt đầu xếp đồ lên xe, vừa tiết kiệm thời gian và tránh những phiền phức không đáng có trên đường.
5. Lên lịch trình, chia quãng đường hợp lý
Việc về quê bằng xe máy chắc chắn đã được bạn lên kế hoạch từ trước đó. Hãy lưu ý thêm về cung đường, thời tiết,… để có sự chuẩn bị cũng như hành trình thuận lợi nhất. Cũng cần chú ý về thời gian xuất phát, tránh đi vào những khung giờ cao điểm nhưng nên hạn chế tối đa việc phải đi đường khi trời tối, sẽ rất nguy hiểm.
Nếu quãng đường quá xa, bạn nên có kế hoạch nghỉ chân hợp lý, không nên đi “cố” sẽ gây mệt mỏi và nguy hiểm. Những người có kinh nghiệm cho rằng, bạn nên dừng nghỉ với mỗi chặng không quá 50-70km tuỳ vào điều kiện đường sá.
Dừng nghỉ không chỉ giúp các thành viên, nhất là trẻ em được thư giãn, đi vệ sinh, uống nước mà còn để chính chiếc xe của bạn “nghỉ ngơi” cho đỡ nóng máy. Chú ý khi dừng nghỉ trên đường, bạn nên chọn nơi rộng rãi, thoáng mát, dựng xe gọn gàng và không làm ảnh hưởng đến các phương tiện khác.
6. Tuân thủ Luật Giao thông
Với chuyến hành trình về quê bằng xe máy, bạn nên tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn giao thông như: Đội mũ bảo hiểm đúng cách; đi đúng tốc độ, đúng làn đường, phần đường (không đi sang làn ô tô),... và tuyệt đối không sử dụng rượu, bia trước khi lái xe.
Nếu không tuân thủ Luật Giao thông khi đi đường sẽ gây nguy hiểm cho chính bản thân mình, đồng thời có thể bị CSGT xử phạt nặng. Chắc chắn điều này sẽ khiến chuyến về quê ăn Tết kém vui phần nào.
Ngoài ra, bạn phải chuẩn bị và mang theo mình các loại giấy tờ cần thiết. Đối với xe máy, có 3 loại giấy tờ bắt buộc là: Giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc. Các loại giấy tờ này nên được để vào cùng một vị trí, tốt nhất là cất vào ngăn bên ngoài của ba-lô để dễ dàng lấy ra khi gặp lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát.
Chúc bạn và gia đình có một hành trình an toàn!
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn nào về câu chuyện trên? Hãy gửi ý kiến dưới phần bình luận của bài viết. Mọi câu hỏi tư vấn về sử dụng, mua bán xe xin gửi tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!