Cần làm gì khi bị xe khác đâm rồi bỏ trốn mất tăm?
Va chạm giao thông khi lái ô tô là điều khó tránh khỏi, nhưng xử lý thế nào để vừa đúng pháp luật lại đảm bảo quyền lợi cho bản thân?
Dưới đây là những điều nên và không nên làm khi gặp tình huống bị xe khác đâm vào và bỏ trốn.
1. Đừng đuổi theo xe vi phạm và cần bình tĩnh
Điều đầu tiên bạn cần ghi nhớ bị đâm xe là đừng bao giờ tham gia vào một cuộc rượt đuổi bằng ô tô. Điều này cực kỳ nguy hiểm và có thể dẫn đến một vụ tai nạn khác, làm hỏng thêm xe của bạn hoặc thậm chí có thể gây tai nạn cho những người xung quanh. Kể cả có đuổi kịp thì sẽ làm gì người lái xe kia nếu họ không tự nguyện quay lại hiện trường?
Nói cách khác, không nên đuổi theo xe vi phạm khi họ đang tăng tốc chạy khỏi hiện trường. Việc đuổi theo xe vi phạm cũng sẽ khiến cảnh sát khó xác định lỗi và có thể ảnh hưởng đến tình trạng xe của bạn.
Ngoài ra, bạn cũng cần giữ bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc và tránh nổi nóng, kích động dù trong tình huống này, bạn là người bị hại. Bởi vì chỉ có sự bình tĩnh thì mới có thể đánh giá đúng tình hình và xử lý các bước tiếp theo.
2. Đánh giá tình trạng vụ va chạm
Những gì bạn nên làm sau bị xe khác đâm vào và bỏ trốn là xác định tình trạng của bản thân và những người ngồi trên xe (nếu có). Bạn đang bị thương không? Những người ngồi trên xe (thường là gia đình hoặc bạn bè) có bị thương hay họ bị sốc không?
Hãy chăm sóc họ trước khi xuống xe. Nếu có người bị thương hoặc tử vong, hãy gọi xe cấp cứu và trợ giúp y tế theo số 115 ngay lập tức.
Nếu bạn và những người ngồi trên xe không sao, hãy ra khỏi xe sau đó mới đánh giá tình trạng xe, xem có bị rò rỉ nhiên liệu không? Có lửa hay có khói không? Nếu câu trả lời là có, ngay lập tức yêu cầu hoặc đưa những người trên xe tới một vị trí an toàn hơn, cách xa vụ tai nạn.
Nếu không có nguy cơ hỏa hoạn, hãy chụp ảnh từ mọi góc độ, cận cảnh và từ xa, để định hình đúng tình trạng hiện trường, phòng trường hợp cần bằng chứng làm việc với đơn vị bảo hiểm xe hay cảnh sát.
Sau khi có ảnh chụp chi tiết về sự cố và thiệt hại của xe, hãy di chuyển nó ra khỏi phần đường tham gia giao thông để tránh gây tắc nghẽn đường.
Bật đèn cảnh báo Harzard hoặc đặt các vật cản như cành cây, đèn nhấp nháy, gách đá... ở trước hoặc sau xe để giúp những người và phương tiện xung quanh nhận biết về xe gặp sự cố ở trên đường.
3. Gọi cho các đơn vị liên quan
Khi đã bình tĩnh, hãy gọi theo số 113 để báo cáo tình hình với Cảnh sát giao thông (CSGT). Đây là cách đúng đắn nhất vì chỉ có CSGT mới có đủ thẩm quyền để hỗ trợ và xử lý giúp bạn trong tình huống này.
Khi gọi cho CSGT, hãy thông báo cho họ về tình hình, vị trí của xe bạn và các chi tiết mà họ có thể cần biết như xe cứu thương và hoặc xe cứu hỏa có cần thiết hay không.
Tiếp sau đó, bạn hãy gọi đến công ty bảo hiểm để họ có thể hướng dẫn bạn các thủ tục làm bồi thường thiệt hại. Đây là điều tiên quyết trong quy trình giám định bồi thường của các công ty bảo hiểm, thế nên việc gọi cho họ là điều rất quan trọng.
Những xe gây tai nạn và bỏ trốn được coi là hành vi phạm tội nghiêm trọng và có thể bị pháp luật trừng trị rất nghiêm khắc. Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP và cập nhật mới nhất tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP (sửa đổi ngày 28.12.2021), quy định về mức xử phạt đối với hành vi điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông không dừng lại và bỏ trốn như sau:
Người điều khiển phương tiện vi phạm | Phạt tiền (VNĐ) | Phạt bổ sung | Căn cứ xử phạt |
Đối với xe ô tô và các phương tiện tương tự như xe ô tô | 16.000.000 - 18.000.000 | Tước quyền sử dụng GPLX từ 5-7 tháng | Điểm b khoản 8 và điểm đ khoản 11 điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP |
Xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện và các loại xe tương tự như xe mô tô, xe gắn máy | 6.000.000 - 8.000.000 | Tước quyền sử dụng GPLX từ 3-5 tháng | Điểm đ khoản 8 và điểm d khoản 10 điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP |
Máy kéo, xe máy chuyên dụng | 10.000.000 - 12.000.000 | Tước quyền sử dụng GPLX hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ từ 5-7 tháng | Điểm c khoản 8 và điểm c khoản 10 điều 7, Nghị định 100/2019/NĐ-CP |
Xe đạp, xe đạp máy, xe đạp điện và xe thô sơ khác | 400.000 - 600.000 | Không | Điểm b khoản 4 điều 8, Nghị định 100/2019/NĐ-CP |
Chủ xe gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn khỏi hiện trường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 72 Điều 1 Bộ luật Hình sự 2017 với khung hình phạt tù từ 3 - 10 năm.
4. Nói chuyện với nhân chứng và quan sát xung quanh để tìm camera
Những người chứng kiến sẽ là chìa khóa cho những gì đã xảy ra, vì vậy hãy nói chuyện với bất kỳ ai trong khu vực đã nhìn thấy vụ va chạm và sẵn sàng làm chứng với cảnh sát. Những gì họ nói có thể chứng minh có liên quan trong quá trình điều tra của CSGT.
Nhưng một điều cũng quan trọng không kém mà bạn cần ghi nhớ là để ý xung quanh xem có camera giám sát từ các nhà dân bên đường vì rất có thể những camera này cũng đã ghi lại hình ảnh của sự việc.
Hãy xin phép những người quản lý hoặc chủ nhà sở hữu camera giám sát đó để được hỗ trợ lấy các bản sao của cảnh quay đó. Ngoài ra, nếu xe của bạn có một camera hành trình ghi lại sự việc, điều đó sẽ rất hữu ích.
5. Gọi luật sư (nếu có)
Đối với nhiều người, một trong những số đầu tiên họ sẽ gọi sau 113 sẽ là số dành cho gia đình. Nhưng trước khi làm như vậy, chúng tôi khuyên bạn nên gọi cho luật sư mà bạn đã từng làm việc.
Luật sư nên là một trong những cuộc gọi điện thoại đầu tiên của bạn trong những tình huống như vậy vì khi đó bạn sẽ được hướng dẫn cách xử lý ổn thỏa nhất.
Gọi luật sư sau một vụ tai nạn giao thông không phải là điều quá phổ biến tại Việt Nam, nhưng nếu có điều kiện thì bạn nên làm như vậy.
Trên đây là những điều mà chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn khi gặp tình huống bị va chạm giao thông mà thủ phạm tìm cách bỏ trốn. Hãy luôn nhớ càng bình tĩnh, bạn càng có khả năng xử lý và ghi nhớ tốt hơn các chi tiết cần thiết để làm việc với cơ quan chức năng. Từ đó sẽ sớm tìm ra được thủ phạm và giải quyết vụ việc ổn thỏa.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!