Các lỗi thường gặp khi điều khiển xe máy vào buổi tối
Uống bia không cồn rồi lái xe liệu có bị 'dính' khi CSGT kiểm tra?
Những lỗi vi phạm sẽ bị CSGT giữ xe ô tô ngay lập tức, tài xế cần biết
Vào thời điểm ban đêm, tham gia giao thông nói chung và đi xe máy ra đường nói riêng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn hơn vào ban ngày. Thời gian này cũng có nhiều quy định riêng mà những người cầm lái cần nắm rõ để giữ an toàn cho bản thân và tránh bị CSGT xử phạt.
Dưới đây là một số trường hợp vi phạm của xe máy khá hay gặp vào buổi tối:
Không bật đèn chiếu sáng
Rất nhiều người đi xe máy trên đường vào buổi tối vì một lý do nào đó đã không bật đèn chiếu sáng, nhất là trong thành phố. Điều này rất nguy hiểm, vi phạm Luật Giao thông đường bộ và có thể bị CSGT xử phạt.
Theo khoản 1, Điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Nghị định 100), hành vi "Điều khiển mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn” sẽ bị phạt tiền từ 100- 200 nghìn đồng.
Bấm còi vô tội vạ
Theo Luật Giao thông đường bộ, "bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư,..." là những hành vi bị nghiêm cấm. Thế nhưng, khi ra đường vào ban đêm, không khó bắt gặp những người đi xe máy sẵn sàng bấm còi vô tội vạ khiến những người xung quanh khó chịu.
Theo khoản 1, Điều 6 Nghị định 100, với hành vi của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy bấm còi từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau trong đô thị, khu đông dân cư (trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định); bấm còi tại nơi cấm sử dụng còi sẽ bị phạt tiền từ 100-200 nghìn đồng.
Còn trường hợp người điều khiển mô tô, xe máy bấm còi liên tục trong đô thị, khu đông dân cư còn bị phạt từ 400-600 đồng theo quy định tại khoản 3, Điều 6 Nghị định 100.
Vượt đèn đỏ
Nhiều người lợi dụng thời điểm buổi tối vắng xe, không có sự xuất hiện của CSGT nên tự cho mình "quyền" được vượt đèn đỏ. Tuy nhiên, vào thời điểm ánh sáng yếu, tầm nhìn hạn chế và nhất là khi các phương tiện đều đi với tốc độ cao thì vượt đèn đỏ là một trong những hành vi nguy hiểm nhất vào buổi tối.
Khoản 4, Điều 6 Nghị định 100, hành vi điều khiển mô tô, xe máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng. Đồng thời còn bị tước GPLX từ 1-3 tháng.
Sử dụng rượu bia khi lái xe
Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cùng Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã "tuyên chiến" với hành vi điều khiển phương tiện mà trong hơi thở hoặc máu có nồng độ cồn. Tuy vậy, không ít người vẫn coi thường và sẵn sàng lái xe ra đường sau khi đã uống rượu bia, nhất là những người đi xe máy.
Việc sử dụng rượu bia trước khi lái xe dù chỉ một chút cũng vẫn có thể bị CSGT "tuýt còi" với mức xử phạt rất nặng. Đối với người điều khiển mô tô, xe máy có thể bị phạt tới 8 triệu đồng và tước GPLX tới 24 tháng.
Chở quá số người quy định
Khi tham gia giao thông bằng xe máy, phải tuân thủ quy định về số người tối đa được trở trên phương tiện. Theo quy định tại Điều 30 Luật giao thông đường bộ, người điều khiển mô tô, xe máy chỉ được chở thêm 1 người lớn, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu; áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật hoặc trẻ em dưới 14 tuổi.
Theo Điều 6, Nghị định 100, hành vi điều khiển mô tô, xe máy mà chở thêm 2 người trên xe sẽ bị xử phạt từ 200-300 nghìn đồng. Còn chở thêm từ 3 người trở lên bị phạt tiền từ 400-600 nghìn đồng.
Ngoài ra, nếu chở quá số người quy định gây tai nạn giao thông thì người điều khiển mô tô, xe máy còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước GPLX từ 2-4 tháng.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn nào về câu chuyện trên? Mời bạn đọc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy - báo VietNamNet theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!