"Biến" ghế sau thành giường nằm khi về quê ăn Tết: Lợi bất cập hại

Nhiều người bỏ tiền triệu để sắm cho xe mình bộ đệm hơi, biến hàng ghế sau thành một chiếc giường để vợ con nằm nghỉ khi đi đường xa. Thế nhưng, lợi chưa thấy đâu mà nguy cơ mất an toàn và bị CSGT xử phạt là rất rõ.

Anh Nguyễn Vũ Hồ (ở quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, gia đình anh có 4 người gồm hai vợ chồng và hai con nhỏ 5 và 8 tuổi. Dù đang làm việc và sinh sống ở Hà Nội nhưng cả quê nội và ngoại đều ở xa (anh ở Nghệ An, còn vợ quê Hà Tĩnh), do vậy mỗi lần lái xe đưa cả nhà về quê là vợ con tỏ ra khá mệt mỏi.

"Gần đây, tôi thấy nhiều trang mạng quảng cáo đệm hơi lắp cho hàng ghế sau, biến xe thành "giường". Tôi thấy đây là giải pháp khá hay để 3 mẹ con có không gian nghỉ ngơi thay vì vật vờ, ngồi thì mỏi mà nằm cũng chẳng xong khi về quê. Do vậy, tôi đã mua và lắp lên chiếc xe Honda CR-V của mình để đi trong dịp Tết sắp tới."

Giường đệm dạng phao bơm để lắp cho ghế sau ô tô đang được nhiều người quan tâm. (Ảnh minh hoạ)

Trên thực tế, rất nhiều người đang có nhu cầu tìm mua những sản phẩm đệm hơi giống như anh Hồ để lắp trên ô tô trong mỗi đợt nghỉ dài ngày để về quê hoặc đi chơi xa. 

Mục đích biến hàng ghế sau thành một mặt phẳng như chiếc giường, giúp những hành khách như phụ nữ, trẻ em, người già có thể ngả lưng trong suốt hành trình dài thay vì phải ngồi cố định một chỗ trên ghế.

Giá của một bộ đệm như vậy dao động từ khoảng 300 nghìn đến hơn 1 triệu đồng, tuỳ vào chất liệu và các phụ kiện kèm theo. Đệm có thể lắp vừa vặn cho rất nhiều loại xe, từ SUV, sedan đến cả những xe cỡ nhỏ.

Tuy vậy, theo các chuyên gia có kinh nghiệm, việc lắp phụ kiện này để đi đường là lợi bất cập hại vì nếu sử dụng không đúng cách sẽ thiếu an toàn, đồng thời còn có nguy cơ bị CSGT xử phạt nặng.

Thứ nhất, đệm hơi thường khá bồng bềnh, do vậy khi nằm hoặc ngồi trên đệm có thể khiến hành khách dễ say xe hơn là ngồi trên ghế, nhất là đối với trẻ em thường hiếu động không nằm yên. 

Thứ hai, khi sử dụng đệm hơi đồng nghĩa với việc những hành khách ngồi ở hàng ghế sau không thể thắt được dây an toàn. Điều này cũng khiến lái xe và cả những người ngồi trên xe bị phạt nặng nếu bị CSGT phát hiện. Chưa kể việc không ngồi cố định nếu chẳng may xảy ra va chạm thì người nằm đằng sau có thể bị văng, va đập trong tư thế nguy hiểm.

Theo khoản 3, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, hành vi "Không thắt dây an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường; chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy", sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng.

Ngoài ra, chính hành khách khi ngồi trên xe đang chạy không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) cũng bị phạt tiền từ 300-500 nghìn đồng với mỗi người theo khoản 5 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Do vậy, các chuyên gia khuyên rằng, việc sử dụng đệm hơi trên ô tô cần được các chủ xe cân nhắc kỹ và chỉ nên dùng để nghỉ ngơi khi dừng xe chứ không nên sử dụng như một chiếc giường di động trong lúc chạy xe trên đường.

Hoàng Hiệp

Bạn có kinh nghiệm gì về vấn đề trên? Hãy gửi ý kiến dưới phần bình luận của bài viết. Mọi câu hỏi tư vấn về sử dụng, mua bán xe xin gửi tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Không dùng đến xe, có nên cho bạn mượn đi Tết?Biết gia đình tôi không dùng đến xe ô tô trong dịp Tết Nguyên đán tới, một người bạn đã nhanh nhảu hỏi mượn. Dù đúng là xe sẽ để cả tuần không dùng đến nhưng thực lòng tôi đang khá phân vân.