6 loại mùi cực kỳ khó chịu trên ô tô và cách khắc phục

Điều hòa trong xe có mùi hôi khó chịu không chỉ thể hiện nội thất bên trong đang gặp vấn đề mà còn cho thấy những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cháy nổ khi xe đang chạy.

Hệ thống điều hòa không khí và cách hoạt động

Hệ thống điều hòa không khí trên ô tô thường được gọi là hệ thống kiểm soát khí hậu. Trên một chiếc ô tô hiện đại, hệ thống này sẽ hoạt động liên tục khi động cơ đang chạy (ngoại trừ ô tô điện).

Khi hoạt động, hệ thống điều hòa thường hút không khí bên ngoài vào và làm nóng không khí đó hoặc làm mát nó, hút ẩm, sau đó đưa vào cabin của ô tô. Nhờ đó, người ngồi trong xe sẽ bớt đi cảm giác lạnh buốt của mùa đông hay cái nắng nóng khắc nghiệt của mùa hè.

Cấu tạo hệ thống điều hòa trên xe ô tô.

Hầu hết, các xe ô tô ngày nay đều tích hợp bộ lọc gió trong hệ thống điều hòa giúp loại bỏ bụi bẩn, phấn hoa và côn trùng từ không khí trước khi đưa vào bên trong xe. Theo thời gian, bộ lọc gió điều hòa sẽ dần bị bụi bẩn lấp đầy, vì vậy chúng cần được vệ sinh hoặc thay thế theo định kỳ.

Khi bạn chọn chế độ tuần hoàn trên hệ thống điều hòa, nó sẽ ngừng lấy gió bên ngoài và tuần hoàn không khí bên trong xe. Đối với nhiều xe ô tô hiện đại, chế độ tuần hoàn không khí sẽ tự động chuyển sang chế độ lấy gió ngoài sau một thời gian ngắn.

Cửa hút gió bên ngoài sau đó sẽ mở ra để hút không khí trong lành vào. Điều này đảm bảo rằng khoang cabin có luôn có đủ một lượng không khí trong lành lưu thông khi bạn lái xe.

Các loại mùi từ hệ thống điều hòa

Dưới đây là những loại mùi mà bạn có thể sẽ cảm nhận được trên xe của bạn cho dù chiếc xe ô tô đó đã mua được vài năm hay vừa mới mua.

- Mùi mốc, mùi giấm (chua) hoặc có thể là mùi giống như mùi hôi của chó. 

- Mùi của chất chống đông, nước làm mát hoặc dầu động cơ.

- Mùi khí thải động cơ hoặc mùi trứng thối.

- Mùi của xăng hoặc nhiên liệu diesel.

- Mùi khét.

- Mùi thuốc lá hoặc khói xì gà.

Tại sao điều hòa ô tô có mùi hôi?

1. Mùi mốc hoặc mùi giấm

Mùi này thường được tìm thấy ở bộ lọc gió, trong dàn lạnh hoặc trong các ống dẫn của hệ thống điều hòa bởi hệ thống điều hòa có chức năng loại bỏ độ ẩm từ không khí.

Trong khi đó, độ ẩm trong môi trường tối là điều kiện lý tưởng để nấm mốc phát triển. Sự phát triển hữu cơ của nấm sẽ tạo ra loại mùi mà chúng ta gọi là mùi nấm mốc. Xe càng cũ thì tình trạng này càng dễ xảy ra.

Ngoài ra, những mùi này có thể tìm thấy ở những vị trí như thảm trải sàn của ô tô, bề mặt ghế nỉ. Độ ẩm dư thừa bên trong bất kỳ xe nào cũng có thể gây ra hiện tượng kể trên, đặc biệt, trong điều kiện khí hậu mưa hoặc trời lạnh ẩm.

2. Mùi của chất chống đông, nước làm mát hoặc dầu động cơ

Chất chống đông, nước làm mát hoặc dầu động cơ có thể bị rò rỉ ở bên trong khoang động cơ. Khi điều này xảy ra, các cửa hút gió của hệ thống điều hòa sẽ vô tình hút cả những mùi kể trên để chuyển vào bên trong xe.

Ngoài ra, rò rỉ chất chống đông trong dàn ống xoắn đốt nóng của hệ thống điều hòa sẽ tạo ra nhiều mùi hơn. Đồng thời, khi đó bạn có thể quan sát thấy chất chống đông nhỏ giọt ở vị trí bên phải hoặc bên trái của chỗ để chân.

3. Mùi khí thải động cơ hoặc mùi trứng thối

Mùi khí thải động cơ thường bị cửa hút gió của hệ thống điều hòa đưa vào bên trong cabin khi bạn khởi động xe lần đầu. Trong khi, mùi trứng thối thường sẽ xuất hiện ngay trong luồng khí thải của ô tô nếu bộ chuyển đổi xúc tác khí thải hoạt động không bình thường.

4. Mùi xăng hoặc dầu diesel

Mùi xăng hoặc dầu diesel có thể xâm nhập vào cabin xe do rò rỉ nhiên liệu ở động cơ, đường ống dẫn nhiên liệu hoặc bình chứa. Mùi nhiên liệu nếu được ngửi thấy từ bên ngoài có thể coi là trường hợp nghiêm trọng. Và nếu ngửi thấy chúng ở bên trong cabin, bạn cần giải quyết và xử lý ngay lập tức.

5. Mùi khét

Mùi khét cũng có thể lọt vào bên trong xe thông qua quá trình hút gió của hệ thống điều hòa. Thông thường, mùi khét sẽ bắt nguồn từ khu vực bánh xe, lý do phổ biến gây ra mùi khét chủ yếu là do quên hạ phanh tay hoặc sử dụng phanh quá nhiều.

6. Mùi thuốc lá hoặc xì gà

Mùi thuốc lá, xì ga có thể xuất hiện trên bất kỳ chiếc xe ô tô nào nếu xe đó có người hút thuốc. Các chất hóa học từ khói thuốc sẽ tích tụ trên các bề mặt của nội thất. Khi bạn thiết lập chế độ lấy gió tuần hoàn, các cặn bẩn gây mùi có thể sẽ lắng xuống và lọt vào các ống dẫn và lốc dàn lạnh của hệ thống điều hòa.

Cách xử lý giảm thiểu mùi hôi trong xe ô tô

Trước khi bắt tay vào giải quyết vấn đề mùi hôi, bạn sẽ tự hỏi có những cách nào để giảm thiểu nguy cơ xảy ra những mùi hôi này? Đối với hầu hết các mùi được liệt kê ở trên, câu trả lời là có.

1. Luôn bật điều hòa

Nhiều chủ xe có thói quen tắt điều hòa khi đang lái xe vì nghĩ rằng điều này sẽ tiết kiệm được nhiên liệu và chi phí. Nhưng việc bật hệ thống điều hòa khi lái xe sẽ giúp cho bên trong cabin luôn giữ được trạng thái thông thoáng và khô ráo. Điều này còn giúp giảm thiểu nấm mốc phát triển trong hệ thống điều hòa và cả bên trong xe.

2. Đậu xe ở những điểm có nắng

Khi đậu xe ngoài trời, hãy chọn một nơi có ánh nắng. Ánh nắng mặt trời là kẻ thù của nấm mốc. Nếu cần khử khuẩn và giảm mùi nấm mốc bên trong xe, hãy tránh xa các khu vực đỗ xe râm mát.

3. Giảm thiểu việc sử dụng tính năng tuần hoàn không khí

Tuần hoàn không khí của hệ thống điều hòa là một tính năng thú vị cần có khí bạn lái xe ở những vùng nông thôn, những khu vực bụi bẩn, hoặc bạn muốn làm mát hay làm ấm một cách nhanh chóng.

Nhưng điều này đồng thời cũng cản luồng không khí trong lành bên ngoài vào trong xe, từ đó có thể thúc đẩy quá trình phát triển của nấm mốc.

4. Luôn để thảm trải sàn khô ráo

Trong thời tiết ẩm ướt, hãy tháo thảm trải sàn nếu chúng bị ngấm nước và sau đó để chúng khô qua đêm. Thảm ướt chỉ cần đặt trong chỗ để chân của cabin cũng có thể sinh ra nấm mốc có mùi hôi. Thảm khô sẽ ít có xu hướng xảy ra điều này hơn.

5. Sửa các vị trí bị rò rỉ càng sớm càng tốt

Rò rỉ chất chống đông, dầu hoặc nhiên liệu (xăng hoặc diesel) sẽ để lại mùi khét lẹt quanh xe ô tô của bạn mỗi khi đưa xe vào gara. Nếu phát hiện ra những mùi này, hãy đưa xe đi kiểm tra càng sớm càng tốt.

Hãy nhớ rằng, nhiên liệu bị rò rỉ có thể dẫn tới nguy cơ hỏa hoạn. Mùi khí thải cũng gây ra nguy hiểm về sức khỏe với những người ngồi trong xe. 

6. Thay thế lọc gió điều hòa

Lọc gió điều hòa đều có niên hạn sử dụng và cần được thay thế theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Điều này nên được thực hiện hàng năm. Vứt bộ lọc gió điều hòa cũ cũng có thể loại bỏ được nguồn nấm mốc đang phát triển mà chúng ta khó nhìn thấy bằng mắt thường.

Ngô Minh (Theo Cartreatments)

Bạn đang có vướng mắc về sử dụng xe? Mời bạn đọc gửi câu hỏi xin tư vấn về Ban Ô tô - xe máy, báo VietNamNet qua email: Otoxemay@vietnamnet.vn. Những nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin trân trọng cảm ơn!