Xe sang của khách du lịch Nga đỗ đầy sân bay ở Phần Lan

Những chiếc Porsche, Bentley và nhiều ô tô hạng sang khác mang biển số Nga đang đỗ đầy các nhà để xe ở sân bay Helsinki khi Phần Lan trở thành quốc gia quá cảnh quan trọng đối với du khách Nga bay đến châu Âu.
Xe biển số Nga tại sân bay Helsinki

Theo tờ The Guardian ngày 23.8, Liên minh châu Âu (EU) đã đóng cửa không phận đối với máy bay Nga sau khi xảy ra xung đột ở Ukraine, buộc bất kỳ ai ở Nga muốn đến châu Âu phải lái xe qua biên giới hoặc đi đường vòng bằng các hãng hàng không không thuộc phương Tây.

Kể từ khi Nga bỏ các biện pháp phòng chống COVID-19 từ tháng 7, số lượng du khách Nga tới châu Âu đã bùng nổ.Trong khi đó, tại châu lục này, ngày càng có nhiều người phản đối dữ dội việc cho phép khách du lịch Nga nhập cảnh trong khi xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn.

Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto cho biết Phần Lan đã trở thành quốc gia quá cảnh cho khách du lịch Nga. Ông nói thêm: “Sân bay Helsinki đang thu hút rất nhiều du khách Nga vào lúc này”.

Tuần trước, Phần Lan cho biết họ sẽ giới hạn số lượng thị thực du lịch Nga xuống 10% số lượng hiện tại kể từ ngày 1.9.

Người Nga tiếp tục vào Phần Lan bằng thị thực do các nước EU khác trong khu vực Schengen cấp. Ông Haavisto nói: “Họ đến đây bằng thị thực Schengen do nhiều quốc gia khác nhau cấp và sau đó tiếp tục đi xa hơn qua sân bay Helsinki”.

Theo một cuộc khảo sát do lực lượng biên phòng Phần Lan thực hiện vào tháng 8, khoảng 2.3 người Nga qua biên giới phía đông của Phần Lan bằng thị thực Schengen do một quốc gia không phải Phần Lan cấp.

Ông Mert Şaşıoğlu, một quan chức biên phòng cho biết: “Hungary, Tây Ban Nha, Italy, Áo, Hy Lạp và Tây Ban Nha thường cấp thị thực cho người Nga và thường nằm trong số các quốc gia cấp thị thực hàng đầu mỗi năm”. Nhiều thành viên phía đông EU đã ngừng cấp thị thực du lịch cho người Nga ngay sau xung đột ở Ukraine ngày 24.2, nhưng những người Nga có thị thực do các nước EU khác cấp được phép vào tất cả các nước EU.

Ngày 23.8, Bộ trưởng Ngoại giao Litva Gabrielius Landsbergis cho biết họ có thể tìm giải pháp mang tính khu vực để cấm du khách Nga nếu các nước thành viên EU không thể thống nhất lệnh trừng phạt toàn khối.

Ông Landsbergis nói: “Chúng tôi tìm kiếm một giải pháp toàn châu Âu ngay từ đầu vì đây là giải pháp bền vững và đúng đắn nhất về mặt pháp lý. Nếu chúng tôi không đạt được giải pháp, chúng tôi không loại trừ khả năng tìm kiếm giải pháp mang tính khu vực bao gồm các quốc gia Baltic, Ba Lan và có khả năng là Phần Lan”. Dù vậy, ông cho rằng động thái như vậy sẽ khó khăn.

Theo ông Haavisto, các quy tắc của Schengen không cho phép Phần Lan đóng cửa biên giới đối với các quốc gia cụ thể vì các biện pháp trừng phạt như vậy chỉ có thể được do EU quyết định chung.

Phần Lan sẽ nêu vấn đề này tại cuộc họp tiếp theo của các bộ trưởng ngoại giao EU tại Cộng hòa Séc vào ngày 30/8.

Trái lại, nhiều nước không đồng ý với việc ngừng cấp thị thực cho người Nga. Ngày 21/8, Bộ trưởng Di trú Thụy Điển Anders Ygeman nhận định sẽ rất khó thực hiện đề xuất cấm cấp thị thực cho công dân Nga và đề xuất này nếu được áp dụng sẽ là một sai lầm. Ông Ygeman cho biết Chính phủ Thụy Điển chỉ đưa ra các biện pháp hạn chế như bãi bỏ quy định đơn giản hóa thủ tục xin cấp thị thực. Ông nhấn mạnh nếu dừng cấp thị thực đối với tất cả công dân Nga đồng nghĩa các nhà khoa học Nga cũng sẽ không thể đến EU, trong khi các bên vẫn muốn duy trì hoạt động trao đổi này.

Về kiến nghị của Estonia và Phần Lan nhằm cấm cấp thị thực ngắn hạn cho người Nga, nhiều nguồn tin cho biết hầu hết các nước Nam và Tây Âu phản đối đề xuất của hai nước này.

Ngày 20.8, một quan chức cấp cao tại Bộ Ngoại giao CH Síp cho biết nước này phản đối đề xuất nói trên. Lý do là tại Síp và các nước EU khác có các cộng đồng người nói tiếng Nga, do đó việc cấm thị thực đối với công dân Nga sẽ cắt đứt liên hệ giữa họ và gia đình, bạn bè người Nga. Bên cạnh đó, EU có thỏa thuận cho phép người dân tự do di chuyển, vì vậy việc cấm công dân Nga đến các nước thành viên EU trái với các quy tắc của khối. Cũng theo quan chức này, Hy Lạp và Đức đã bày tỏ phản đối đề xuất.

Theo báo Tin tức