WHO họp khẩn, cân nhắc đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu
Theo Reuters, Tổ chức Y tế Thế giới sẽ quyết định việc tuyên bố đậu mùa khỉ có phải tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không sau cuộc họp này. Trong khi đó, các nhà khoa học hàng đầu ở châu Phi cho rằng đây là cuộc khủng hoảng đã xảy ra trong khu vực liên tục nhiều năm.
Cuộc họp khẩn được tổ chức kín, triệu tập các chuyên gia của Ủy ban Khẩn cấp, sẽ diễn ra vào 12h ngày 23/6 tại Geneva (theo giờ địa phương, khoảng 5h ngày 24/6 theo giờ Việt Nam). Hiện tại, thời gian công bố quyết định đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu chưa được xác định.
Thành phần tham dự là các chuyên gia từ những khu vực bị ảnh hưởng nhất. Họ sẽ đưa ra khuyến nghị với Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Sau đó, người đứng đầu WHO sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có nên ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không.
Hầu hết chuyên gia đều cho rằng bệnh đậu mùa khỉ đang bùng phát phù hợp với tiêu chí của WHO về định nghĩa tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Đây là một sự kiện đột ngột và bất thường lan rộng trên phạm vi quốc tế, cần có sự hợp tác xuyên quốc gia.
Tuy nhiên, theo trợ lý giáo sư y tế toàn cầu Clare Wenham, trường Kinh tế London, Anh, WHO đang ở vị trí bấp bênh sau Covid-19.
"Nếu WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp và các quốc gia không hành động, điều đó có thể làm suy yếu vai trò của cơ quan này trong việc kiểm soát dịch bệnh toàn cầu. Dù làm hay không, họ cũng tiến thoái lưỡng nan", bà nói.
Các mẫu xét nghiệm đậu mùa khỉ tại Bệnh viện La Paz, Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: Pablo Blazquez Dominguez.
Trong khi đó, giáo sư Emmanuel Nakoune, quyền Giám đốc Viện Pasteur ở Bangui, Cộng hòa Trung Phi, cho rằng: "Khi một căn bệnh ảnh hưởng đến các nước đang phát triển, nó dường như không phải là trường hợp khẩn cấp. Nó chỉ trở thành trường hợp khẩn cấp khi các nước phát triển bị ảnh hưởng".
Tuy nhiên, GS Nakoune nhận định nếu WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho bệnh đậu mùa khỉ, đây vẫn là quyết định quan trọng.
WHO định nghĩa tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC): "Một sự kiện bất thường được xác định là có thể tạo thành nguy cơ sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác do sự lây lan dịch bệnh quốc tế và có khả năng cần phải có một phản ứng quốc tế phối hợp".
WHO không tuyên bố về đại dịch nhưng họ sử dụng thuật ngữ này để mô tả về Covid-19 vào tháng 3/2020.
Bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây như Covid-19 và có sẵn vaccine, phương pháp điều trị. Nó không giống Covid-19 hồi mới xuất hiện. Nhưng căn bệnh này vẫn dấy lên hồi chuông báo động.
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến với các phóng viên ngày 22/6, quyền Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, ông Ahmed Ogwell Ouma, cho biết số ca bệnh đậu mùa khỉ và người tử vong trên lục địa này đã ở "mức khẩn cấp".
Theo thống kê của Reuters, số ca mắc trong đợt bùng phát hiện tại đã vượt mốc 3.000 người ở hơn 40 quốc gia bên ngoài châu Phi. Phần lớn bệnh nhân là đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới. Ngoài ca tử vong ở Nigeria, một ca nghi tử vong ở Brazil, các nước còn lại chưa ghi nhận thương vong.
Bệnh do virus gây ra với các triệu chứng giống cúm, tổn thương trên da. Đây là bệnh đặc hữu ở châu Phi với 1.500 ca mắc được phát hiện từ đầu năm 2022 đến nay. Trong đó, 66 người tử vong.
Nguồn Zing