Vì sao lạm phát Mỹ lên cao nhất trong hơn 40 năm qua?

Lạm phát ở Mỹ lại tăng lên mức cao nhất trong hơn 40 năm qua và điều này có thể sẽ củng cố quyết tâm của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong việc mạnh tay nâng thêm lãi suất trong tháng 7 này.
Vì sao lạm phát Mỹ lên cao nhất trong hơn 40 năm qua? - Ảnh 1. Người dân mua dâu tây tại chợ địa phương ở TP San Francisco, bang California (Mỹ) vào ngày 13.7 - Ảnh: Reuters

Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 13.7 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 9,1% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 11.1981. Trong khi đó, so với tháng 5, CPI trong tháng 6 đã tăng 1,3% do giá xăng dầu, chi phí nhà ở và thực phẩm tăng cao.

Thêm một cú sốc

Theo Hãng tin Bloomberg, các số liệu lạm phát nói trên một lần nữa cho thấy áp lực giá cả đang lan rộng trong toàn bộ nền kinh tế Mỹ. Dữ liệu lạm phát sẽ khiến các quan chức tại FED phải đưa ra các chính sách mạnh tay. Chúng cũng gây thêm áp lực cho Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đảng Dân chủ khi tỷ lệ ủng hộ dành cho họ đã giảm trước cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay.

"Chỉ số CPI đã gây ra một cú sốc khác. Mặc dù CPI tăng đột biến chủ yếu do giá năng lượng và thực phẩm - vốn là những vấn đề toàn cầu, nhưng giá cả nhiều hàng hóa và dịch vụ nội địa cũng tăng, từ nhà ở cho đến ôtô và quần áo", ông Robert Frick, nhà kinh tế tại tổ chức tín dụng toàn cầu Navy Federal Credit Union, nhận định.

Sắp tới một số yếu tố như chi phí nhà ở có thể sẽ khiến áp lực về giá còn kéo dài. Những rủi ro địa chính trị bao gồm lệnh phong tỏa đối phó COVID-19 ở Trung Quốc và cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng đặt ra nhiều thách thức cho chuỗi cung ứng và lạm phát.

"Thay vì hạ nhiệt, lạm phát đang nóng lên", ông Sal Guatieri, nhà kinh tế cao cấp của hãng cung cấp dịch vụ tài chính BMO Capital Markets, nhận định.

Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Moody's Analytics, cho biết một hộ gia đình Mỹ điển hình hiện nay tốn thêm 493 USD mỗi tháng để mua cùng loại hàng hóa, dịch vụ đã mua vào cùng kỳ năm ngoái.

Theo Đài CNN, giá cả không những tăng nhanh mà còn vượt xa mức tăng lương. Thu nhập thực tế trung bình theo giờ tại Mỹ trong tháng 6 năm nay đã giảm 1% so với tháng trước đó và giảm 3,6% so với tháng 6 năm ngoái.

Ưu tiên giải quyết lạm phát

Chính quyền Tổng thống Joe Biden trấn an người dân, cho biết mức lạm phát trong tháng 6 đã được ghi nhận vào giai đoạn trước khi giá xăng dầu và các hàng hóa khác giảm ở Mỹ.

"Mặc dù dữ liệu lạm phát được công bố ngày 13.7 cao đến mức không thể chấp nhận được, nhưng những con số này đã cũ. Dữ liệu này không phản ánh tác động đầy đủ của gần 30 ngày giảm giá xăng vừa qua vốn đã giúp giá xăng bán lẻ giảm khoảng 0,4 USD kể từ giữa tháng 6", ông Biden nói ngày 13.7, đồng thời nhấn mạnh áp lực giá cả hiện nay là một hiện tượng toàn cầu.

Nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm: "Giải quyết lạm phát là ưu tiên hàng đầu của tôi. Chúng ta cần phải đạt được nhiều tiến bộ hơn và nhanh hơn trong việc kiểm soát vấn đề tăng giá".

Giá dầu thô Brent (được xem là tiêu chuẩn cho giá dầu thế giới) đã tăng lên gần 140 USD/thùng vào đầu tháng 3 năm nay sau khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Tuy nhiên, tháng này giá dầu Brent đã giảm xuống dưới mức 100 USD/thùng. Giá thực phẩm trên toàn cầu cũng đã điều chỉnh từ các mức cao kỷ lục.

Không chỉ Mỹ, nhiều tháng lạm phát tăng vọt ở các nước đã làm rung chuyển thị trường toàn cầu thời gian qua và ngân hàng trung ương nhiều nơi buộc phải nhanh chóng rút lại các chính sách tiền tệ "cực rẻ" đã được áp dụng từ đầu dịch COVID-19. Nhưng điều đó làm dấy lên lo ngại giới hoạch định chính sách có thể đi quá xa và đẩy các nền kinh tế hàng đầu thế giới rơi vào suy thoái.

FED đã bắn tín hiệu sẽ có một đợt tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lần hai vào cuối tháng này trong bối cảnh lạm phát dai dẳng. Theo báo Financial Times, nếu FED tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 7, dự kiến mức lãi suất cơ bản sẽ được nâng lên từ 2,25 - 2,5%.

Tuy nhiên, FED tăng lãi suất càng cao và nhanh thì sẽ càng làm tăng nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái - điều mà một số nhà kinh tế dự báo có thể xảy ra trong 12 tháng tới. Dù vậy, thị trường lao động vẫn đang tỏ ra vững vàng khi tạo thêm gần 400.000 việc làm trong tháng trước.

Cú sốc cho chứng khoán toàn cầu

Theo Hãng tin AP, chứng khoán toàn cầu đã sụt giảm vào ngày 14.7 sau khi mức lạm phát cao ở Mỹ làm dấy lên suy đoán FED sẽ tăng lãi suất cao hơn - điều mà các nhà đầu tư lo ngại sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế.

Vào đầu phiên giao dịch, chỉ số FTSE 100 tại thị trường London (Anh) giảm 0,4% xuống 7.127 điểm, chỉ số DAX ở thị trường Frankfurt (Đức) giảm 0,2% còn 12.737 điểm. Chứng khoán Thượng Hải, Hong Kong (Trung Quốc) và Seoul (Hàn Quốc) cũng giảm điểm. Tại Mỹ, các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều giảm, nhưng ở mức nhẹ.

Theo Tuổi trẻ