Trung Quốc hoàn tiền cho các nạn nhân vụ lừa đảo ngân hàng lớn nhất lịch sử
Họ cho biết khoản thanh toán đầu tiên sẽ dành cho các khách hàng có tổng số tiền gửi tiết kiệm dưới 50.000 nhân dân tệ (7.445 USD) tại một ngân hàng. Những khách hàng có khoản tiền lớn hơn trong tài khoản của họ sẽ được thông báo riêng vào đợt khác.
Bốn ngân hàng nông thôn này vẫn chưa đưa ra lời giải thích rõ ràng về lý do cũng như thời gian các khoản tiền của khách hàng tiếp tục bị đóng băng.
Trước đó, hồi tháng tháng 5, cơ quan quản lý ngân hàng quốc gia cho biết một cổ đông lớn của ngân hàng Hà Nam là người chịu trách nhiệm về hành vi thu hút tiền bất hợp pháp từ những người gửi tiết kiệm thông qua các kênh trực tuyến.
Số tiền hoàn trả sẽ được xử lý bởi hai ngân hàng không liên quan, song phía nhà quản lý không cho biết nguồn tiền đó đến từ đâu.
Các thông báo này được đưa ra sau khi một cuộc biểu tình lớn xảy ra tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, hôm 10/7. Đây là cuộc phản đối lớn nhất từ trước đến nay của các nạn nhân, những người đã đấu tranh suốt nhiều tháng để lấy lại số tiền tiết kiệm bị đóng băng của họ.
Tháng trước, một doanh nhân 45 tuổi ở Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, chia sẻ với CNN Business rằng ông đã không thể tiếp cận khoản tiền tiết kiệm trị giá 6 triệu USD của gia đình mình.
Tình trạng rút tiền gửi hàng loạt tại các ngân hàng nhỏ của Trung Quốc đã xay ra thường xuyên hơn trong những năm gần đây. Một số bị cáo buộc là không phù hợp về tài chính hoặc là hành vi tham nhũng.
Thế nhưng, giới chuyên gia lại đặc biệt lo ngại về một vấn đề tài chính lớn hơn có thể đang rình rập, được châm nguồn từ một bê bối trong ngành bất động sản và các khoản nợ xấu tăng cao liên quan đến đại dịch COVID-19.
Theo ước tính hồi tháng 4 của tạp chí Sanlian Lifeweek, có tới 400.000 khách hàng trên khắp Trung Quốc không thể tiếp cận khoản tiết kiệm của họ tại các ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam và An Huy.
Đó là chỉ là một con số nhỏ trong hệ thống ngân hàng rộng lớn của Trung Quốc. Nhưng đáng lưu ý, một phần tư tổng tài sản của ngành này lại được nắm giữ khoảng 4.000 ngân hàng nhỏ, thường có cấu trúc quản lý và sở hữu không rõ ràng, đồng thời dễ bị tham nhũng và suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Cảnh sát Hà Nam hôm 10.7 cho biết họ đã bắt giữ một số nghi phạm với cáo buộc sử dụng các ngân hàng nông thôn để gây quỹ công trái phép kể từ năm 2011.
Bất chấp hành động của cảnh sát và động thái trả nợ của chính quyền trong những ngày tới, các nhà phân tích cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng này có thể vẫn chưa kết thúc.
Theo Báo Tin tức