Tổng thống Hàn Quốc thăm Mỹ: Khi đồng minh không đánh đổi 

Chuyến thăm sẽ thử thách nỗ lực của ông Yoon Suk Yeol nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia trước sức ép từ đồng minh thân thiết và diễn biến phức tạp của tình hình thế giới.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và phu nhân tại sân bay quân sự Andrews, bang Maryland, Mỹ ngày 24/4. (Nguồn: Yonhap)

Ngày 24/4, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cùng phu nhân đã đặt chân tới sân bay quân sự St. Andrews, bắt đầu chuyến thăm quan trọng dài 6 ngày tới Mỹ. Trước đó, ông cùng người đồng cấp chủ nhà đã 6 lần tiếp xúc, bao gồm chuyến thăm của ông Joe Biden tới Seoul năm 2022 và các cuộc gặp không chính thức tại Madrid (Tây Ban Nha), London (Anh), New York (Mỹ) và Phnom Penh (Campuchia).

Tuy nhiên, đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Yoon tới Washington và lần công du chính thức đầu tiên của một nhà lãnh đạo Hàn Quốc tới xứ cờ hoa trong 12 năm qua. Chuyến thăm diễn ra nhân dịp hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, liên kết đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Seoul.

Mặc dù vậy, chính trong năm kỷ niệm đặc biệt này, quan hệ Mỹ-Hàn lại đang đối phó với nhiều thách thức hơn bao giờ hết, với lực cản từ nhiều hướng. Trong bối cảnh đó, cuộc thảo luận giữa Tổng thống Yoon Suk Yeol và người đồng cấp nước chủ nhà Joe Biden có thể tập trung giải quyết một số vấn đề sau.

Bài toán kinh tế

Đầu tiên, hai nhà lãnh đạo có thể bàn về Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ. Ngay sau khi chính thức có hiệu lực ngày 16/8/2022, đạo luật đã làm dấy lên làn sóng phản đối từ nhiều đồng minh truyền thống của Washington, trong đó có Seoul.

Trước tình hình đó, chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden đã nỗ lực xoa dịu những ý kiến chỉ trích này. Mới đây, ngày 6/4, trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) trong khuôn khổ chuyến thăm Seoul cùng đoàn đại biểu về kinh tế, Thượng nghị sĩ Mỹ Jon Ossoff đã khẳng định Quốc hội nước này “rất cởi mở và sẵn sàng thảo luận, lắng nghe”. Ông cũng nhấn mạnh, “đối thoại, cùng nỗ lực hoàn thiện việc áp dụng IRA, trên cơ sở tham khảo ý kiến các đồng minh, sẽ được tiếp tục”.

Trước thềm chuyến thăm của ông Yoon, nhiều tờ báo lớn tại Hàn Quốc như The Korea Herald, Hankyoreh đã đăng bài xã luận kêu gọi nhà lãnh đạo này thuyết phục ông Biden để các công ty sản xuất xe điện Hàn Quốc được nằm trong danh sách trợ cấp của IRA và Đạo luật CHIP và khoa học (CHIPS) của Mỹ.

Thứ hai, đó là câu chuyện về bảo đảm lợi ích kinh tế của Hàn Quốc trong cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung. Báo Financial Times (Anh) hôm 23/4 cho biết, Mỹ đã yêu cầu Hàn Quốc hối thúc tập đoàn Samsung và SK Hynix không bổ sung nguồn cung chip cho thị trường Trung Quốc, một khi Bắc Kinh cấm tập đoàn Micron Technology Inc. của Mỹ hoạt động.

Trong năm 2022, tỷ lệ người tiêu dùng Trung Quốc mua các sản phẩm của Hàn Quốc đã giảm 30%. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Seoul, với kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi Washington. Nếu kịch bản trên trở thành hiện thực, nó sẽ gây tổn hại lớn tới lợi ích kinh tế của Hàn Quốc.


Việc Mỹ yêu cầu các doanh nghiệp của Hàn Quốc ngừng cung cấp chip cho Trung Quốc có thể gây tổn hại lớn tới lợi ích của Seoul - Ảnh: Một nhà máy sản xuất chip của Samsung tại Tứ Xuyên, Trung Quốc (Nguồn: SamMobile)

Thách thức an ninh

Thứ ba, hai bên có thể thảo luận về vấn đề vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc. Hồi tháng Giêng, Tổng thống Yoon Suk Yeol từng bất ngờ “gây bão” khi cho rằng đã đến lúc Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân để phòng thủ trước mối đe dọa tại Đông Bắc Á. Tuyên bố này phản ánh quan điểm của đại bộ phận người dân nước này: Khảo sát mới đây cho thấy 77% cử tri cho rằng năng lực hạt nhân là cần thiết. Trước áp lực khu vực và quốc tế, ông Yoon rút lại tuyên bố này, song điều đó không có nghĩa rằng vấn đề này sẽ sớm biến mất.

Đây chắc chắn sẽ là quan tâm với xứ cờ hoa. Một quan chức cấp cao Mỹ bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” trước thông tin Hàn Quốc thảo luận về sở hữu vũ khí hạt nhân. Nước này coi sự hiện diện của vũ khí hạt nhân tại xứ sở kim chi, dù thuộc quyền kiểm soát của Washington hay Seoul, là “không cần thiết và nguy hiểm”, đặc biệt khi cả hai láng giềng của Hàn Quốc, Trung Quốc và Triều Tiên, đều sở hữu vũ khí hạt nhân.

Thứ tư, tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên gần như chắc chắn sẽ xuất hiện trong cuộc thảo luận giữa hai Tổng thống. Đây là quan tâm hàng đầu của Seoul trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, với việc Bình Nhưỡng tăng cường thử tên lửa, bao gồm sự xuất hiện của tên lửa xuyên lục địa Hwasong-18 sử dụng nhiên liệu rắn, vấn đề này càng thêm “nóng”.

Đặc biệt, khi đàm phán Mỹ-Triều bế tắc, quan hệ hai miền chưa có dấu hiệu cải thiện, đường dây liên lạc quân sự giữa Seoul và Bình Nhưỡng vừa bị cắt đứt, trong khi các cuộc tập trận liên hợp chưa đạt được hiệu quả răn đe cần có, chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol rõ ràng có nhiều lý do để lo lắng về Triều Tiên.

Các vụ thử tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng, bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-18 (ảnh) sử dụng nhiên liệu rắn, cùng các cuộc tập trận liên hợp Mỹ-Hàn, khiến tình hình bán đảo Triều Tiên thêm nóng. (Nguồn: KCNA)

Thứ năm, đó là vấn đề Đài Loan. An ninh tại eo biển này đã luôn là một trong những mối quan tâm của Hàn Quốc tại Đông Bắc Á. Tuy nhiên, trong buổi trao đổi với Reuters ngày 19/4, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã đi xa hơn khi nhấn mạnh vấn đề Đài Loan là “một vấn đề toàn cầu” và phản đối sự thay đổi hiện trạng bằng việc sử dụng vũ lực. Tuyên bố của nhà lãnh đạo này đã dẫn đến căng thẳng ngoại giao mới giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, với hai bên triệu đại sứ của nhau để bày tỏ thái độ. Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) coi tuyên bố của ông Yoon là “nghiêm trọng nhất” kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ năm 1992.

Theo các nhà phân tích, Mỹ mong muốn Hàn Quốc thể hiện lập trường gần với mình hơn. Tuy nhiên, Washington không khuyến khích các hành động quân sự của Seoul về vấn đề này, khi xứ sở kim chi vẫn còn đó những mối quan tâm riêng về an ninh với hai nước láng giềng là Triều Tiên và Trung Quốc.

Cuối cùng, xung đột Nga-Ukraine nhiều khả năng sẽ xuất hiện trong các phiên thảo luận. Trong năm 2022, bất chấp lời kêu gọi của Washington và phương Tây về tăng cường viện trợ quân sự, Seoul và Tokyo vẫn chỉ duy trì sự ủng hộ Kiev thông qua hỗ trợ tài chính, viện trợ phi quân sự và nhân đạo.

Tuy nhiên, ngày 19/4, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã úp mở khả năng gửi vũ khí tới Ukraine một khi đất nước Đông Âu hứng chịu đợt tấn công trên diện rộng nhắm vào dân thường. Hỗ trợ từ Hàn Quốc, nhà sản xuất lớn về đạn pháo cùng hiện diện về trang thiết bị quốc phòng của nước này tại châu Âu, đặc biệt là Ba Lan và Czech, sẽ là “cú hích” lớn trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine của phương Tây.

Mặc dù vậy, liệu Hàn Quốc sẽ triển khai cam kết ra sao lại là câu chuyện khác. Các tài liệu mật bị rò rỉ của Mỹ cho thấy Seoul đã phải chịu áp lực không nhỏ từ Washington về viện trợ vũ khí sát thương cho Kiev. Tuy nhiên, lập tức đáp ứng yêu cầu của xứ cờ hoa đồng nghĩa rằng Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với sự phản đối gay gắt từ Nga cũng như Trung Quốc. Cách diễn giải cụm từ “tấn công diện rộng nhắm vào dân thường” sẽ là cơ sở quan trọng để Seoul khéo léo tìm điểm cân bằng, bảo đảm lợi ích riêng giữa những sức ép chung.

Hankyoreh nhận định liên minh giữa nước này và xứ cờ hoa rất quan trọng, song đôi lúc việc “phản đối và đề nghị là cần thiết”. Theo The Korea Herald, Hàn Quốc không nên đánh mất lợi ích vì cạnh tranh Mỹ-Trung, bởi “đồng minh nên giúp đỡ lẫn nhau, thay vì một bên phải hy sinh để mang lại lợi ích cho bên còn lại”.

Trên thực tế, trong quan hệ đồng minh, kết quả cùng thắng là điều ai cũng muốn. Song liệu kịch bản đó có xuất hiện trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol không? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.

Nguồn baoquocte