Quốc hội Pháp "bị treo", Tổng thống Macron mất quyền chủ động

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mất quyền kiểm soát Quốc hội trong cuộc bầu cử vòng 2 diễn ra ngày 19.6. Kết quả này sẽ ngáng đường chương trình nghị sự của ông.
Quốc hội Pháp bị treo, Tổng thống Macron mất quyền chủ động - Ảnh 1. "Macron phải đối mặt với nguy cơ tê liệt chính trị" là tít của tờ Le Monde sau khi có kết quả chính thức vòng 2 bầu cử Quốc hội Pháp ngày 20.6 - Ảnh: REUTERS

Liên minh "Cùng nhau" của Tổng thống Emmanuel Macron vẫn sẽ là đảng có được nhiều ghế nhất trong Quốc hội Pháp khóa tới. Nhưng với 245 ghế, theo kết quả đầy đủ của Bộ Nội vụ Pháp công bố rạng sáng 20.6, liên minh của ông Macron đã mất thế đa số tuyệt đối cho phép họ tự mình quyết định các chính sách quan trọng tại Quốc hội.

Theo quy định, cần ít nhất 289 ghế để giành được thế đa số tuyệt đối tại Quốc hội có 577 thành viên.

Liên minh cánh tả - cực hữu mới thành lập của ông Jean-Luc Melenchon giành được 135 ghế, trở thành nhóm đối lập lớn nhất tại Quốc hội Pháp trong khóa tới, theo AFP.

Dự đoán ban đầu của các đơn vị thăm dò dư luận như Ifop, OpinionWay, Elabe và Ipsos cho thấy liên minh của ông Macron giành được 230-250 ghế, liên minh Melenchon giành được 141-175 ghế và Les Republicains là từ 60-75 ghế.

Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire gọi kết quả này là một "cú sốc dân chủ" và nói thêm rằng nếu các khối khác không hợp tác, "điều này sẽ cản trở năng lực của chúng ta trong việc cải cách và bảo vệ người Pháp".

Một Quốc hội bị treo sẽ dẫn đến việc chia sẻ quyền lực và thỏa hiệp giữa các đảng phái, vốn là điều chưa từng có ở Pháp trong hơn 30 năm qua. Tình trạng treo dùng để chỉ không một đảng nào giành đủ số ghế cần thiết để chiếm đa số tại Quốc hội.

Lần cuối cùng đảng của một Tổng thống mới đắc cử của Pháp không đạt được đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử Quốc hội là vào năm 1988.

Thủ tướng Elisabeth Borne gọi kết quả bầu cử Quốc hội là "một rủi ro cho nước Pháp" và cho biết liên minh của ông Macron sẽ cố gắng thương lượng, tìm kiếm liên minh với các nhóm khác để lập chính phủ.

Tổng thống Macron đã hy vọng sẽ bước vào nhiệm kỳ thứ hai của mình bằng một chương trình đầy tham vọng về cắt giảm thuế, cải cách phúc lợi và nâng tuổi nghỉ hưu. Tất cả những điều này đều đang bị đặt dấu chấm hỏi sau khi đảng của ông mất quyền kiểm soát Quốc hội.

Theo Tuổi trẻ