Nhiều dự đoán trước đại hội đảng ở Trung Quốc

Ngày 30-8, Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo sẽ tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20 vào ngày 16-10. Đại hội thường kéo dài một tuần, với sự tham gia của khoảng 2.300 đại biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Nhiều dự đoán trước đại hội đảng ở Trung Quốc - Ảnh 1. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trung tâm) trong kỳ Đại hội đảng toàn quốc năm 2017 tại Bắc Kinh - Ảnh: AP

Dự kiến sẽ có ít thay đổi trong định hướng chính sách lớn của Trung Quốc, nhưng sẽ có một số xáo trộn về nhân sự. Đây cũng là vấn đề được quan tâm nhiều nhất vì một số thành viên chủ chốt trong đảng đã quá tuổi nghỉ hưu theo thông lệ (68 tuổi).

Rất nhiều dự đoán

Thông báo "chốt" ngày đại hội diễn ra sau cuộc họp Bắc Đới Hà chỉ hơn hai tuần. Bắc Đới Hà, nằm ở tỉnh Hà Bắc cách Bắc Kinh 279km về phía đông, được coi là "thủ đô mùa hè" của giới chính trị Trung Quốc.

Năm nay, dư luận đặc biệt quan tâm tới các nội dung thảo luận ở Bắc Đới Hà bởi hội nghị này sẽ quyết định những vấn đề chủ chốt cho Đại hội đảng sắp tới. Dù nội dung nhân sự chủ chốt cho đại hội 20 được bàn thảo trong hội nghị Bắc Đới Hà không được công khai, nhưng tin hành lang đã được đưa ra.

Vấn đề đầu tiên là ông Tập Cận Bình, 69 tuổi, tiếp tục nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba lịch sử và củng cố vị trí của ông với tư cách là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông.

Điều này cũng đồng nghĩa tiền lệ Tổng Bí thư chỉ làm hai nhiệm kỳ từ sau năm 1976 đã bị phá vỡ, giúp ông Tập có thể tiếp tục thúc đẩy các chính sách đối nội và đối ngoại của ông thời gian qua.

Ngay sau khi ông Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2012, ông đã đưa ra khái niệm "giấc mơ Trung Hoa", đặt mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới vào năm 2049 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Mười năm sau, ông Tập đang bước vào giai đoạn thử thách nhất khi vượt qua thông lệ nhiệm kỳ của đảng, tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi" nhằm giúp cho đảng đứng vững, và cuộc cải tổ nhân sự cấp cao nhất tại đại hội đảng lần thứ 20 để biến tầm nhìn đó thành hiện thực.

Ai sẽ là Thủ tướng mới?

Ngoài ra, việc ai sẽ là người thay thế Thủ tướng Lý Khắc Cường, năm nay 67 tuổi và đã làm hai nhiệm kỳ, cũng là một vấn đề đáng quan tâm.

Năm nay, tăng trưởng GDP của Trung Quốc liên tục giảm so với dự đoán do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như tình hình thị trường bất động sản khó khăn khiến Bắc Kinh bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng ở mức thấp 5,5% lần đầu tiên sau nhiều thập niên.

Mọi dự đoán hiện nay dồn về Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa, hiện chỉ mới 59 tuổi và từng tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng ở Bắc Kinh. Ông Hồ Xuân Hoa không chỉ tích lũy thành tích chính trị thông qua hoạt động đoàn thanh niên giống Thủ tướng Lý Khắc Cường, mà còn từng kinh qua vai trò Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Đông giàu có - nơi có GDP lớn nhất Trung Quốc đạt gần 2.000 tỷ USD vào năm 2021, vượt qua cả Hàn Quốc.

Tuy nhiên, một số cái tên khác cũng đang được chú ý và có thể gây bất ngờ vào phút chót, như ông Uông Dương - 67 tuổi, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (tương tự như Chủ tịch Ủy ban MTTQ ở Việt Nam). 

Ông Uông Dương trước đây là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Đông, tiền nhiệm của ông Hồ Xuân Hoa. Ngoài ra còn có Phó Thủ tướng Hàn Chính - 68 tuổi, từng là Bí thư Thành ủy Thượng Hải.

Điểm mạnh của hai ông Uông và Hàn là hiện nay đều đang nằm trong Thường vụ Bộ Chính trị, nhưng vấn đề tuổi tác có thể là một trở ngại chính. 

Một khả năng khác cho vị trí Thủ tướng là Trần Mẫn Nhĩ, 61 tuổi, một người được ông Tập ủng hộ và hiện là Bí thư thành phố trực thuộc trung ương Trùng Khánh. Nhưng điểm yếu của ông Trần là chưa bao giờ giữ vị trí ở chính quyền trung ương mà chỉ ở các địa phương như Chiết Giang, Quý Châu hay Trùng Khánh.

Ngoài ra, một vấn đề khác là liệu ông Lý Khắc Cường có nghỉ hưu hoàn toàn sau khi thôi giữ chức Thủ tướng hay không khi ông vẫn còn dư một tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo thông lệ.

Ông Lý có thể tiếp tục duy trì vị trí quyền lực trong đảng với tư cách là Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Chủ tịch Quốc hội), thay ông Lật Chiến Thư nay đã 72 tuổi. 

Ngoài ra, một số vị trí quan trọng khác như Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn, người thân thiết của ông Tập, nay đã bước sang tuổi 74 và dự kiến cũng sẽ nghỉ hưu vào năm tới.

Sẽ không có thay đổi lớn

Hội nghị ở Bắc Đới Hà cho thấy không có nhiều thay đổi hay bất ngờ trong chính sách của Trung Quốc trong thời gian tới. Điều quan trọng nhất là Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã có sự đồng thuận để tiếp tục củng cố sức mạnh chính trị sau Đại hội 20 thông qua nhiệm kỳ thứ ba, phá vỡ truyền thống 46 năm qua.

Ngoài ra, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng cho thấy sự tiếp nối trong vấn đề nhân sự quay quanh "hạt nhân lãnh đạo" Tập Cận Bình. Điều đó cũng có nghĩa chính sách Trung Quốc trong thời gian tới sẽ vẫn quay quanh "tư tưởng Tập Cận Bình về kinh tế xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới".

Theo Tuổi trẻ