Nhà tư tưởng thiên tài làm thay đổi cục diện thế giới
Hành trình giải cứu 41 công nhân mắc kẹt 16 ngày dưới hầm ở Ấn Độ
Cảnh đổ nát sau tai nạn xe buýt khiến 21 người thiệt mạng ở Italia
Lũ quét cuốn trôi hơn 20 người, nhiều ngôi nhà bị đánh sập
Tượng Karl Marx ở Berlin. (Nguồn: Ryan.Hellyer.kiwi)
Karl Heinrich Marx sinh ngày 5/5/1818 ở thành phố Trier, tỉnh Rhénanie thuộc vương quốc Phổ (nay thuộc nước Đức), trong một gia đình trí thức gốc Do Thái. Cha ông là Heinrich Marx, một luật sư có tiếng thời đó còn mẹ ông là Henriëtte Presburg, một phụ nữ gốc Hà Lan. Năm 1843, Marx kết hôn với Jenny von Westphalen.
Karl Marx theo học luật, sử, triết tại các trường đại học ở Bonn và Berlin. Năm 1841, khi mới 23 tuổi, Karl Marx bảo vệ thành công luận án tiến sĩ triết học tại trường Đại học Tổng hợp Berlin và bắt đầu con đường đấu tranh không mệt mỏi, cống hiến cho nhân loại.
Khát vọng cống hiến
Ngay từ nhỏ, Karl Marx đã sớm thể hiện rõ thiên hướng nghiên cứu đầy sáng tạo và khát vọng cống hiến cho nhân loại. Năm 17 tuổi, trong luận văn tốt nghiệp trung học với tựa đề “Suy nghĩ của một thanh niên khi chọn nghề”, Karl Marx đã viết: “Lịch sử gọi những con người tự làm cho mình trở nên cao quý bằng việc cống hiến cho sự nghiệp chung, là những con người vĩ đại; kinh nghiệm ca ngợi con người đem lại hạnh phúc cho hầu hết mọi người, là con người hạnh phúc nhất”.
Trọn đời cống hiến vì lý tưởng giải phóng giai cấp, giải phóng con người, Karl Marx đã để lại cho nhân loại những di sản tư tưởng có giá trị trường tồn. Trong đó, những thành tựu nổi bật nhất của Marx, theo đánh giá của F. Engels là 3 phát minh vĩ đại, đó là: tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người, tìm ra quy luật giá trị thặng dư và tìm ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản.
Năm 1848, khi mới chỉ 30 tuổi, Karl Marx đã viết quyển I của bộ “Tư bản” và “Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản”. Đây là những tác phẩm bất hủ trong kho tàng tri thức nhân loại, nền tảng cho sự hình thành chủ nghĩa Marx, học thuyết cách mạng hoàn chỉnh của giai cấp vô sản.
Kế tục và phát triển một cách thiên tài ba trào lưu tư tưởng chủ yếu của thế kỷ XXI là triết học cổ điển Ðức, kinh tế học chính trị cổ điển Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp, Karl Marx đã tổng kết tri thức của nhân loại và sáng lập chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Học thuyết kinh tế Marxist và chủ nghĩa xã hội khoa học do ông sáng lập đã làm cho chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành khoa học, biến nó thành vũ khí sắc bén của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản.
Chủ nghĩa Marx từ khi ra đời cho đến nay, luôn là mặt trời chiếu sáng, cơ sở tư tưởng, lý luận và là ngọn cờ chiến đấu đầy khí phách của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh chống đế quốc thực dân và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hành trình đi tìm chân lý
Trong 65 năm cuộc đời, Karl Marx đã trải qua rất nhiều gian nan, thử thách trên hành trình đi tìm chân lý và khẳng định những giá trị khoa học vĩ đại. Năm 1842, khi 24 tuổi, Karl Marx đi Cologne, tham gia ban biên tập rồi trở thành Tổng biên tập báo Sông Ranh. Karl Marx đã sử dụng tờ báo này truyền bá tư tưởng tiên tiến, chống các thế lực phản động, bảo vệ quyền lợi của tầng lớp lao động.
Sau khi báo Sông Ranh bị đóng cửa, tháng 10/1843, Karl Marx đến Paris, tiếp tục sáng lập và xuất bản tạp chí Biên niên sử Pháp-Đức và liên hệ với các tổ chức cách mạng bí mật của công nhân Pháp và Đức. Năm 1844, Karl Marx gặp Engels tại Paris. Từ đó, hai người trở thành đôi bạn chí thiết, đồng chí gắn bó, cộng tác chặt chẽ với nhau trong cuộc đấu tranh vì sự nghiệp của giai cấp vô sản.
Đầu năm 1845, Kark Marx bị trục xuất khỏi nước Pháp vì bị coi là một nhà cách mạng nguy hiểm. Sau đó, Kark Marx sang Brussel, thủ đô nước Bỉ. Ở đây Marx và Engels đã viết nhiều tác phẩm rất có giá trị. Theo như Lenin, những tác phẩm của Karl Marx viết cùng Engels trong thời gian này đã “đặt cơ sở cho chủ nghĩa xã hội duy vật cách mạng”. Năm 1846, Marx và Engels lập một ủy ban liên lạc cộng sản để liên lạc với các nhóm cộng sản ở Đức và nước ngoài.
Năm 1847, Marx và Engels gia nhập Đồng minh những người chính nghĩa, cải tổ tổ chức này thành Đồng minh những người cộng sản và được Đại hội lần thứ II ủy nhiệm soạn thảo cương lĩnh của Đồng minh. Tháng 2/1848, bản “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ra đời, đánh dấu sự hình thành chủ nghĩa Marx.
Sau Cách mạng tháng Hai ở Pháp năm 1848, chính phủ Bỉ lo sợ ảnh hưởng của Marx liền trục xuất ông khỏi nước Bỉ. Marx lại sang Paris và được cử làm Chủ tịch Ủy ban trung ương Đồng minh những người cộng sản. Tháng 4/1848, Marx cùng Engels trở về Đức trực tiếp tham gia phong trào cách mạng đang sôi sục ở đây và xuất bản báo Sông Ranh mới. Cách mạng thất bại, báo Sông Ranh mới bị cấm, Marx bị truy tố và trục xuất khỏi nước Đức. Tháng 5/1849, Marx đến Paris, nhưng chỉ ít lâu sau ông lại bị trục xuất khỏi nước Pháp. Sau đó, Marx quyết định sang London tiếp tục sống và hoạt động cho đến cuối đời.
Ở London, Marx tiếp tục hoạt động trong Đồng minh những người Cộng sản, đồng thời viết nhiều tác phẩm có giá trị để tổng kết những kinh nghiệm đấu tranh của giai cấp công nhân trong thời kỳ cách mạng 1848-1851. Từ năm 1850, Marx chuyên nghiên cứu khoa kinh tế chính trị. Năm 1867, quyển I của bộ “Tư bản” - công trình nghiên cứu chủ yếu của Marx, mà Lenin đánh giá là “tác phẩm kinh tế chính trị học vĩ đại nhất trong thế kỷ chúng ta” được ra mắt bạn đọc. Sau đó, việc chỉnh lý bản thảo các quyển II, III và IV của bộ “Tư bản” chiếm phần lớn thời gian của Marx nhưng ông không hoàn thành được công trình to lớn đó do lao động trí óc quá căng thẳng và đời sống vật chất thiếu thốn thường xuyên đã làm sức khỏe của Marx giảm sút nhanh chóng. Ngày 14/3/1883, Marx qua đời trên chính chiếc ghế bành mà ông vẫn ngồi làm việc ở London.
Từ Marx đến chủ nghĩa Marx-Lenin
Sự ra đời của chủ nghĩa Marx chấm dứt thời kỳ mò mẫm như trong đêm tối của hàng triệu nhân dân lao động sống dưới ách áp bức và bóc lột của giới chủ tư bản, tìm đường giải phóng cho mình. Sau này, V.I. Lenin đã kế thừa sự nghiệp của Karl Marx và Ph. Angels, dựa trên các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mark, đã phát triển chủ nghĩa Marx trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, thời đại cách mạng vô sản trở thành chủ nghĩa Marx-Lenin. Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Marx-Lenin, Cách mạng tháng Mười Nga đã thành công mở ra thời đại mới trong lịch sử phát triển của loài người.
Ở Việt Nam, trên hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm đến với chủ nghĩa Marx-Lenin, kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản, bước ngoặt vĩ đại của lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ khi ra đời năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lấy chủ nghĩa Marx-Lenin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động trong công cuộc xây dựng và phát triển.
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Việt Nam luôn kiên định, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh thành kim chỉ nam, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội với những đặc điểm riêng, phù hợp với điều kiện và bối cảnh đất nước. Trước yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Việt Nam tiếp tục khẳng định, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình phát triển, xây dựng và bảo vệ tổ quốc là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Marx-Lenin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”.
Bức tượng đồng Karl Marx được chính phủ Trung Quốc trao tặng cho thành phố Trier nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh Karl Marx. (Nguồn: Tân Hoa xã)
Thế giới không quên
Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày sinh của thiên tài Karl Marx, khắp nơi trên thế giới đã tổ chức trang trọng các hoạt động kỷ niệm, đặc biệt là tại Trier, thành phố quê hương của Karl Marx. Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh Karl Marx vào năm 2018, chỉ riêng thành phố Trier đã có hơn 300 hoạt động kỷ niệm đã được tổ chức với nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Chính quyền Trier cho phát hành tờ tiền giấy đặc biệt có in hình Karl Marx, khánh thành bức tượng đồng nặng 3 tấn, cao 5,5m, tạc hình Karl Marx mặc áo choàng vẻ trầm ngâm nhưng mạnh mẽ, trên tay cầm một cuốn sách. Bức tượng này là một món quà từ chính phủ Trung Quốc dành cho thành phố quê hương của triết gia vĩ đại này.
Ở Trier, ngôi nhà nơi Marx ra đời cũng được bảo tồn, hiện là Bảo tàng Nhà Karl Marx mở cửa cho du khách đến tham quan và là nơi tổ chức hội thảo, các hoạt động tưởng niệm thiên tài Karl Marx. Không chỉ ở quê hương ông, nhiều quốc gia trên khắp thế giới như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nga, Cuba… kỷ niệm ngày sinh Karl Marx với các hoạt động tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh, các buổi hội thảo chuyên đề, các buổi đọc sách, chiếu phim và hòa nhạc, triển lãm…
Phát biểu nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh Karl Marx tại Đại lễ đường nhân dân Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ca ngợi Karl Marx là "Nhà tư tưởng vĩ đại nhất thời hiện đại". Chủ tịch Tập Cận Bình coi chủ nghĩa Marx là công cụ để Trung Quốc "đi đến tương lai và thắng lợi".
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh: "Hai thế kỷ sau, bất chấp những thay đổi to lớn và sâu sắc trong xã hội loài người, tên tuổi Karl Marx vẫn được kính trọng trên toàn thế giới, và học thuyết của Karl Marx vẫn soi rọi ánh sáng của sự thật".
Nguồn baoquocte