Nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp giữa 2 cường quốc hạt nhân 

Nga lo ngại nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp giữa 2 cường quốc hạt nhân ngày càng tăng cao.

Tòa nhà Bộ Ngoại giao Nga (Ảnh: TASS)

Giám đốc Cục Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Yermakov cho biết, nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp giữa 2 cường quốc hạt nhân Nga và Mỹ đang gia tăng không ngừng.

Ông Yermakov nói với hãng tin TASS, nếu Mỹ tiếp tục đi theo con đường hiện tại hướng tới đối đầu với Nga, trong khi liên tục gia tăng rủi ro xung đột quân sự trực tiếp, số phận của Hiệp ước START có thể bị khép lại.

Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, tức là nếu Washington đẩy tình hình vào một cuộc đụng độ quân sự giữa các cường quốc hạt nhân mạnh nhất, thì không phải New START, mà số phận của toàn thế giới mới là điều đáng lo ngại.

Ông giải thích, điều này một lần nữa khẳng định mối đe dọa cấp bách nhất hiện nay không liên quan đến động lực kích thích cuộc tấn công quy mô lớn đầu tiên, vốn được cho là sẽ bị kiềm chế bởi các thỏa thuận như New START.

Theo ông, nó liên quan đến nguy cơ leo thang hạt nhân do đối đầu quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân. “Với sự nuối tiếc sâu sắc nhất của chúng tôi, những rủi ro này tiếp tục gia tăng" – ông nói.

"Đây chính xác là lý do tại sao chúng tôi liên tục chỉ ra mối nguy hiểm từ các hành động của Mỹ và NATO, họ dường như nghĩ rằng mình nằm ngoài sự trừng phạt và bị cuốn theo những ảo tưởng như kiểm soát leo thang và thống trị leo thang" - nhà ngoại giao nhấn mạnh - "Chúng tôi tiếp tục gửi tín hiệu nghiêm túc tới phương Tây rằng một thảm họa phải được ngăn chặn".

Tuy nhiên, ông Yermakov chỉ ra, phương Tây "vẫn làm ngơ trước những lời kêu gọi" và thậm chí còn "xuyên tạc chúng một cách ác ý vì mục đích tuyên truyền".

Ông nhấn mạnh, để cải thiện tình hình, Mỹ phải ngay lập tức thực hiện các bước cụ thể để giảm leo thang và xóa bỏ đường lối thù địch nhằm phá hoại an ninh của Nga.

"Đơn giản là vì không có cách nào khác để đảo ngược xu hướng tiêu cực" - ông Yermakov kết luận.

Nguồn giaoducthoidai