Nghệ thuật từ vải vụn - phương thức chữa lành tâm hồn của những người phụ nữ Syria
Cách đây vài năm, Khloud Hnaidi - một phụ nữ đến từ thành phố Sweida, miền Nam Syria, đã bắt tay vào thực hiện ý tưởng tái chế những mảnh vải vụn cũ thành vật dụng có thể sử dụng được như khăn trải bàn, thảm và các tác phẩm nghệ thuật trang trí. Cô Hnaidi vốn có tình yêu với nghệ thuật và luôn mong muốn hồi sinh truyền thống tái chế những miếng vải vụn tồi tàn, đặc biệt trong bối cảnh Syria còn đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế.
Nhiều phụ nữ Syria đã tham gia các buổi phát triển kỹ năng dệt do cô Hnaidi tổ chức, qua đó họ trở nên thân thiết, gắn bó hơn khi chia sẻ những câu chuyện của chính mình và nhận được đồng cảm. Sự gắn kết giữa họ đã tạo cảm hứng cho cô Hnaidi tiếp tục lan tỏa dự án, kêu gọi nhiều phụ nữ chia sẻ câu chuyện của riêng mình thông qua các tác phẩm nghệ thuật từ vải vụn tái chế.
Cô Hnaidi cho biết trong bối cảnh đất nước xảy ra chiến sự, mỗi người đều có những khó khăn và câu chuyện của riêng mình. Tuy không hề quen biết nhau trước đó, song họ có thể kết nối và cùng nhau tạo ra cuộc sống có ý nghĩa hơn nhờ hoạt động phát triển nghệ thuật. Cô Hnaidi cho biết dự án này đã giúp bản thân cô, lẫn những người tham gia, mở ra những góc nhìn mới về cuộc sống và họ đều coi đây là nơi nương tựa về mặt tinh thần.
Ngày nay, chuỗi hoạt động này đã có cơ sở riêng, với sảnh chính được trang trí bằng những bức tranh vẽ trên vải vụn, dưới mỗi tác phẩm đính kèm những chú thích nhỏ về câu chuyện của người nghệ sĩ. Dự án đã giúp những người tham gia vượt qua khoảng thời gian khó khăn và xoa dịu những căng thẳng tâm lý, vốn bắt nguồn từ những áp lực liên quan xung đột quốc gia, lẫn những vấn nạn xã hội như bạo lực gia đình.
Cô Manal Masoud giới thiệu tác phẩm nghệ thuật từ vải cũ tại Sweida, Syria. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cô Manal Masoud - một phụ nữ Syria ngoài 30 tuổi từng là nạn nhân của bạo hành gia đình đến nỗi bị mắc chứng mất trí nhớ - đã tái hiện câu chuyện của mình qua bức tranh vẽ một chiếc thang, với dụng ý về một lối thoát cho những cảm xúc tiêu cực. Chia sẻ về cảm nghĩ đối với dự án này, cô Masoud cho rằng đây không chỉ đơn thuần là việc bày tỏ nỗi đau riêng, mà còn là cơ hội để lắng nghe những người khác và giúp đỡ những người tổn thương hơn cô. Đối với cô Masoud, đây là nơi gắn kết những người đồng cảnh ngộ, giúp họ cảm thấy không đơn độc khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống.
Trong khi đó, cô Hanan Radwan - đối tác của cô Hnaidi trong dự án, cho rằng việc hỗ trợ và tiếp thêm sức mạnh cho phụ nữ là yếu tố quan trọng để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Cô Radwan cho rằng phụ nữ cần được khuyến khích để trở nên độc lập hơn, thay vì chỉ ở nhà và đóng vai trò hỗ trợ người khác.
Cuộc xung đột Syria bắt đầu tháng 3/2011 sau đó kéo dài dai dẳng với nhiều bên tham gia. Hiện giao tranh trên diện rộng đã chấm dứt, nhưng các vụ bạo lực phe phái nhỏ lẻ vẫn diễn ra song song với cuộc khủng hoảng nhân đạo, khiến đời sống lẫn kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn.
BTNO