Nga cảnh báo EU và G7 về hậu quả của quyết định áp giá trần dầu mỏ
Ông Novak nói thêm, Moscow đang “tìm kiếm các cơ chế” để vượt qua việc bị áp giá trần đối với dầu mỏ. Trước đó, Hội đồng châu Âu cho biết, EU đã đồng ý áp giá trần đối với dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng hoặc thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường. Các nước G7 và Australia cũng đưa ra thông báo tương tự vào ngày 2/12, khẳng định họ cũng sẽ từ chối giao dịch đối với dầu của Nga được bán trên 60USD/thùng.
Một tàu chở dầu đang neo đậu tại khu vực Sheskharis ở Novorossiysk, Nga. Ảnh: AP
Nga nhiều lần khẳng định sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia áp dụng mức giá trần này. Phát biểu với kênh truyền hình Rossiya-24 ngày 4/11, ông Novak nói: “Chúng tôi sẽ chỉ bán dầu và các sản phẩm từ dầu cho những quốc gia hợp tác với chúng tôi nhằm đáp ứng các điều kiện trên thị trường, cho dù chúng tôi phải cắt giảm sản lượng”.
Ông Novak dự đoán rằng, việc áp giá trần sẽ “làm mất ổn định” thị trường dầu mỏ toàn cầu và lập luận rằng điều đó mâu thuẫn với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông nói, Nga đang “tìm kiếm các cơ chế” để vượt qua biện pháp này.
Theo các chuyên gia, mặc dù việc cắt giảm sản lượng sẽ làm giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga, nhưng tác động của nó trong ngắn hạn có thể sẽ bị hạn chế, do dầu của Nga hiện đang giao dịch ở mức 64 USD/thùng, chỉ cao hơn 4 USD so với giá trần. Những người chỉ trích quyết định áp giá trấn cho rằng quyết định của Nga không cung cấp cho các quốc gia tham gia trừng phạt sẽ khiến người tiêu dùng ở những nước này phải mua dầu với mức giá cao hơn.
Nguồn VOV.VN (biên dịch)
Theo RT