Một thành viên NATO bị nghi bí mật cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine
Nhật báo Dziennik Gazeta Prawna của Ba Lan dẫn một số nguồn tin cho biết, vào mùa Xuân năm 2022, Warsaw đã bí mật chuyển giao một số máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine, bất chấp việc chính phủ nước này bác bỏ bất kỳ thỏa thuận nào như vậy.
Chiến đấu cơ MIG-29. Ảnh: Getty
Theo nhật báo Dziennik Gazeta Prawna (DGP), những chiếc máy bay này đã được gửi tới Ukraine dưới hình thức “kết hợp”, nghĩa là chúng được chuyển đến trong tình trạng tháo rời các bộ phận và được khai báo là phụ tùng thay thế.
“Thân máy bay và cánh đều là phụ tùng thay thế”, tờ DGP trích dẫn các nguồn tin từ chính phủ Ba Lan cho biết.
Trước đó vào tháng 3/2022 - ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột, Mỹ đã bác bỏ kế hoạch chuyển giao máy bay MiG-29 của Ba Lan cho Ukraine, cho rằng động thái này sẽ “gây leo thang căng thẳng”, có nguy cơ kéo Mỹ hoặc một số đồng minh trong NATO can dự cuộc xung đột và châm ngòi cho một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.
Tuy nhiên, đến tháng 4/2022, Lầu Năm Góc tuyên bố rằng, một đồng minh của Mỹ đã giúp củng cố phi đội máy bay chiến đấu của Ukraine bằng cách tặng “phụ tùng thay thế” để giúp Kiev sửa chữa những máy bay đã bị hỏng.
Theo một số nhà phân tích, bài báo mới nhất của DGP cho thấy đồng minh đó có thể là Ba Lan. Cũng vào tháng 4/2022, Warsaw tiết lộ đã cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ quân sự trị giá 7 tỷ USD, trong đó có hàng chục khẩu pháo, hệ thóng tên lửa Grad MRLS, tên lửa dành cho các máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-27, cùng nhiều loại đạn dược khác.
Trong những tuần gần đây, Mỹ dường như đã gạt bỏ lo ngại trước đây về việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Mới nhất ngày 25/1,Washington tuyên bố cung cấp một số xe tăng M1 Abrams cho Kiev, trong khi Đức, Ba Lan và Phần Lan dự định chuyển giao hàng chục xe tăng Leopard 2.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, với kế hoạch này, phương Tây đang can dự trực tiếp vào cuộc xung đột, bất chấp những tuyên bố trái ngược của các chính trị gia Mỹ và châu Âu. Nga đã nhiều lần kêu gọi phương Tây ngừng "bơm" vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều này sẽ chỉ khiến xung đột kéo dài và đẫm máu hơn./.
Nguồn Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo RT