Moderna kiện Pfizer/BioNTech vi phạm bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19
Chủ tịch nước Trung Quốc phát biểu mừng Năm mới, kêu gọi đoàn kết chống Covid-19
Nhật Bản đứng đầu thế giới về số ca mắc mới COVID-19
Thế giới tuần qua: Phương Tây áp giá trần dầu Nga; Trung Quốc nới lỏng biện pháp phòng Covid-19
Trụ sở công ty Moderna tại Cambridge, Massachusetts, Mỹ
Trong thông báo ngày 26.8, Moderna cho biết đã đệ đơn kiện Pfizer và BioNTech lên Tòa sơ thẩm liên bang ở bang Massachusetts (Mỹ) và Tòa án khu vực Dusseldorf (Đức). Theo Giám đốc điều hành Stephane Bancel, Moderna khởi kiện để bảo vệ quyền sở hữu công nghệ mRNA mà công ty này đã đầu tư hàng tỷ USD để phát triển và được cấp bằng sáng chế từ 10 năm trước khi xảy ra COVID-19.
Moderna và Pfizer/BioNTech là 2 trong số những công ty công nghệ sinh học đầu tiên phát triển vaccine ngừa COVID-19. Tháng 12.2020, vaccine của Pfizer/BioNTech đã trở thành vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp ở nước này. Vaccine của Moderna được cấp phép 1 tuần sau đó.
Hãng Moderna cáo buộc Pfizer/BioNTech sao chép trái phép công nghệ mRNA mà Moderna đã được cấp bằng sáng chế từ năm 2010 đến năm 2016, nhiều năm trước khi COVID-19 xuất hiện và lây lan trên toàn cầu.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch, Moderna cam kết không giữ độc quyền các sáng chế liên quan đến vaccine ngừa COVID-19 để hỗ trợ những công ty khác tự phát triển vaccine. Tuy nhiên, tháng 3 năm nay, Moderna cho biết họ mong đợi các công ty như Pfizer và BioNTech tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của hãng. Moderna cũng cho biết sẽ không yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với bất kỳ hoạt động phát triển vaccine nào được thực hiện trước ngày 8.3 vừa qua.
Trước đó, Pfizer và BioNTech đã phải đối mặt với không ít vụ kiện từ các công ty khác cáo buộc rằng 2 công ty này vi phạm bằng sáng chế liên quan vaccine ngừa COVID-19. Pfizer/BioNTech tuyên bố sẽ bảo vệ bằng sáng chế của họ.
Bản thân công ty Moderna cũng đang bị kiện ở Mỹ vì vi phạm bằng sáng chế và đang có tranh chấp với Viện Y tế quốc gia Mỹ về quyền sở hữu công nghệ mRNA.
Theo báo Tin tức