Lời cảnh tỉnh cho Đông Nam Á 

Quan chức Liên Hợp Quốc nhận định các nước cần mạnh tay ngăn chặn hình thức lừa đảo tinh vi khi nhiều nhóm tội phạm hiện có thể hoạt động ở một số khu vực sông Mekong.

Một người phụ nữ Đài Loan 22 tuổi nhận lời tới Thái Lan. Tuy nhiên sau đó, cô lại bị đưa tới khu Shwe Kokko (Myanmar) và bị ép lừa đảo qua mạng. Sau 10 ngày, cô nài nỉ và muốn trở về nhà.

Mọi chuyện không dễ dàng như vậy. Nhóm buôn người yêu cầu gia đình cô trả hơn 49.000 USD để chuộc lại con gái. Tại sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan, nơi cô khởi hành, nhóm này nâng số tiền chuộc lên 82.000 USD.

Cô gái đã trốn trong nhà vệ sinh sân bay suốt 6 tiếng đồng hồ và gọi điện cho bố nhờ giúp đỡ. Các quan chức từ Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc ở Thái Lan cuối cùng đã giải cứu thành công và đưa cô về nhà vào ngày 17/8.

Đó chỉ là sự kiện mới nhất trong chuỗi tình tiết đáng báo động gần đây, nêu bật tình trạng các tổ chức lừa đảo hoạt động ở Đông Nam Á, theo Straits Times. Nhiều câu chuyện tương tự đã và đang diễn ra ở Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc).

Nhiều người được hứa hẹn công việc với mức lương cao ở Myanmar và Campuchia đều bị giam giữ khi đến nơi và bị buộc phải lừa đảo qua mạng hoặc tống tiền.

Các chính phủ trong khu vực đã thực hiện một số biện pháp để ngăn chặn hình thức buôn người này, như đưa ra lời cảnh báo hay hỗ trợ giải cứu nạn nhân. Nhưng chuyên gia cho rằng giới chức đang “chơi trò đuổi bắt” khi mức độ nhận thức của công chúng về phương thức lừa đảo này còn tương đối thấp.

“Thật không may, những lời cảnh báo đến quá muộn khi quá nhiều người đã mắc bẫy. Chính phủ các nước đang phải cố gắng bắt kịp”, ông Jeremy Douglas - đại diện khu vực Đông Nam Á của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) - chia sẻ với Zing.

Ai cũng có thể là mục tiêu
Ông Douglas nhận định lừa đảo trực tuyến ở khu vực sông Mekong đã nở rộ trong đại dịch Covid-19, không chỉ ở Campuchia, Myanmar, mà ở một chừng nào đó còn là ở Lào.

Hầu hết cơ sở lừa đảo nằm ở khu vực biên giới, nơi được gọi là “đặc khu kinh tế”, ông cho biết. Theo vị quan chức Liên Hợp Quốc, nhiều cơ sở lừa đảo đó liên kết với các sòng bạc trực tuyến do nhiều nhóm tội phạm điều hành.

Lời mời gọi hấp dẫn không chỉ thu hút những người từ Thái Lan, mà còn cả Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Philippines đang tìm kiếm việc làm. Hầu hết trong số họ không biết công việc bản thân đang đăng ký là bất hợp pháp.


Ông Jeremy Douglas là đại diện khu vực Đông Nam Á của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC). Ảnh: Liên Hợp Quốc.

Hồi tháng 3, hơn 30 công dân Indonesia đã được giải cứu khỏi tỉnh Kandal của Campuchia sau khi bị đưa từ Sihanoukville tới đây.

Tới tháng 4, 66 công dân Thái Lan được giải cứu khỏi bàn tay của một băng đảng khác. Cũng trong tháng đó, cảnh sát Thái Lan ước tính còn khoảng 1.500 lao động nước này mắc kẹt tại các trung tâm lừa đảo ở Campuchia.

Về phần mình, cảnh sát Campuchia khẳng định ít nhất 30% công dân Thái Lan có dính líu tới các hoạt động tội phạm này không bị giữ ở lại trái ý muốn và có thể là cố ý tham gia lừa đảo, theo Khmer Times.

Ngày 18/8, chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19 số 21 của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình (đóng tại khóm Tân Khánh, thị trấn Long Bình) phát hiện và bắt giữ 40 người Việt từ casino Rich World, bơi qua sông Bình Di nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Giới chức Campuchia đã bắt giam người quản lý sòng bạc người Trung Quốc. Người này thừa nhận đã ép buộc người lao động Việt Nam làm việc trái ý muốn.

Khi được hỏi những đối tượng nào dễ bị rơi vào bẫy lừa đảo, ông Douglas nhận định cả nam lẫn nữ đều có thể là mục tiêu. Họ còn có thể là những người trẻ có trình độ học vấn ở mức tương đối thấp.

Các nhà chức trách gần đây đã cảnh báo công dân tránh việc làm trong một số lĩnh vực nhất định, đồng thời xác thực các công ty môi giới việc làm đang tuyển dụng. Nhưng dù vậy, một thực tế là nhiều người vẫn đã mắc bẫy, theo ông Douglas.

Bên cạnh đó, dù nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn trước những lời tuyển dụng hấp dẫn khi làm việc ở nước ngoài, nhiều người vẫn bất chấp đi.

“Một số người nhận thức được rủi ro, nhưng không phải tất cả. Những người có khả năng bị cuốn vào tình huống này là đối tượng dễ bị tổn thương, sau khi gặp phải tình hình kinh tế bất ổn trong hơn năm rưỡi đại dịch”, ông nói với Zing.

Lời cảnh tỉnh
Từ những vụ việc phản ánh liên tục trên báo chí từ đầu năm 2022, ông Douglas cho rằng các chính phủ trong khu vực chắc chắn đã nhận được lời cảnh tỉnh khi số lượng và tính chất nghiêm trọng của vụ việc rất đáng báo động.

“Campuchia đang bắt đầu thực hiện các vụ bắt giữ và giúp đỡ nạn nhân với sự hợp tác của Thái Lan và các nước khác”, quan chức này cho hay.


Giới chức Đài Loan áp giải hai nghi phạm bị trục xuất khỏi Bangkok hồi đầu tháng 8 và được cho là có liên quan đến các vụ lừa đảo ở Campuchia. Ảnh: AP.

Theo South China Morning Post, Campuchia cho biết họ sẽ sớm đưa ra kế hoạch trấn áp các băng nhóm tội phạm, đồng thời phủ nhận các quan chức dính líu tới các trung tâm lừa đảo.

"Campuchia là 'nạn nhân'", ông Chou Bun Eng - Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chống buôn người Campuchia - nói. "Chúng tôi không đủ khả năng phản ứng với mọi báo cáo tội phạm, nhưng chúng tôi giải cứu mọi nạn nhân khi có thể".

Bên cạnh đó, ông Douglas cũng nhận thấy đại sứ quán các nước, cùng cảnh sát và cơ quan nhập cư, đang đưa ra nhiều lời cảnh báo và nỗ lực giúp đỡ. “Tuy nhiên, khi người dân bị mắc kẹt ngoài biên giới, các chính phủ rất khó để can thiệp và hành động”, ông nói.

Quan chức Liên Hợp Quốc kêu gọi khu vực ASEAN xem xét tình hình một cách nghiêm túc, đồng thời đề nghị giới chức không chỉ thảo luận mà cần quyết tâm hành động để giải quyết vấn đề.

“Tại khu vực sông Mekong, có những nơi nhóm tội phạm về cơ bản có thể hoạt động mà không hề bị can thiệp hay trừng phạt”, vị quan chức kết luận.

Nguồn Zing