Kiev phủ nhận tên lửa rơi ở Ba Lan của Ukraine, NATO quy trách nhiệm cho Nga
Cả Ba Lan và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 16/11 đều lên tiếng thừa nhận, quả tên lửa rơi xuống làng Przewodow, cách biên giới với Ukraine khoảng 6km và phát nổ lúc 15h40 giờ địa phương ngày 15/11 “có thể là một tai nạn đáng tiếc” do hệ thống phòng không của Ukraine gây ra trong lúc cố gắng ngăn chặn các tên lửa tập kích của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: CNN
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên sau đó, Tổng thống Zelensky cho biết, ông đã nhận được báo cáo từ các chỉ huy lực lượng vũ trang và không quân Ukraine và "không thể không tin tưởng họ". Interfax dẫn lời ông Zelensky nhấn mạnh: “Tôi không nghi ngờ việc tên lửa đó không phải là của chúng tôi”. Lãnh đạo Kiev nói thêm, Ukraine cần được tiếp cận hiện trường.
Phát biểu của ông Zelensky được đưa ra sau khi Thư ký Hội đồng Quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov nói, nước này muốn có một "cuộc điều tra chung" về sự cố cùng các đối tác.
Ba Lan hợp tác điều tra sự cố tên lửa với Mỹ
Cùng ngày, Ba Lan thông báo việc điều tra sự cố tên lửa ở Przewodow đang diễn ra với sự hỗ trợ của Mỹ. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tiết lộ, các điều tra viên của Mỹ hiện đã có mặt tại hiện trường.
Cảnh sát Ba Lan đang tìm kiếm các mảnh vỡ của tên lửa trên một cánh đồng tại làng Przewodow ngày 16/11. Ảnh: AP
Theo Giám đốc Cục An ninh quốc gia Ba Lan Jacek Siewiera, Tổng thống Duda đã gặp Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Bill Burns tại Warsaw tối 16/11 để thảo luận về tình hình an ninh nói chung, cũng như bối cảnh của các sự cố gần đây.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin xác nhận, các chuyên gia của nước này đã đến Ba Lan để trợ giúp cuộc điều tra ở Przewodow.
NATO, Mỹ và Ba Lan quy trách nhiệm cho Nga
Tại cuộc họp báo ngày 16/11, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận, vụ nổ ở Ba Lan nhiều khả năng do tên lửa Ukraine gây ra trong lúc “cố gắng bảo vệ lãnh thổ”. Tuy nhiên, ông Stoltenberg cho rằng, trách nhiệm vẫn thuộc về Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trước giới truyền thông sau cuộc họp khẩn cấp về Ba Lan tại Brussels, Bỉ ngày 16/11. Ảnh: Anadolu
Theo CNN, Đại sứ Ba Lan tại NATO Tomasz Szatkowski và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có cùng quan điểm với ông Stoltenberg.
Nga chưa lên tiếng phản hồi trước các phát biểu trên.
Đức đề xuất giúp Ba Lan tuần tra không phận
Đức hôm 16/11 cho biết sẽ đề nghị trợ giúp Ba Lan tuần tra không phận bằng tiêm kích Eurofighter.
Tiêm kích Eurofighter của Không quân Đức. Ảnh: Picture alliance
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức Christian Thiels nhấn mạnh: “Sứ mệnh có thể bắt đầu ngay từ ngày mai, nếu Ba Lan muốn. Các máy bay không cần phải chuyển đến Ba Lan. Các đội tuần tra có thể cất cánh từ những căn cứ không quân của Đức và quay trở lại đây sau khi hoàn thành nhiệm vụ”.
Theo ông Thiels, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã lên kế hoạch trao đổi điều này với người đồng cấp Ba Lan ngay trong ngày.
Tại cùng cuộc họp báo, Phó phát ngôn viên của Chính phủ Đức Wolfgang Buechner cho biết thêm, Thủ tướng Olaf Scholz đã điện đàm với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và đưa ra đề nghị trợ giúp của Berlin dành cho Warsaw.
Nguồn vietnamnet