EU bắt đầu âm thầm nới lỏng trừng phạt Nga

EU đã âm thầm bắt đầu nới lỏng các biện pháp trừng phạt Nga.

Chú thích ảnh

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang oilprice.com, bước nới lỏng đầu tiên là Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định bổ sung các điều khoản miễn trừ trong các lệnh trừng phạt Nga. Điều này sẽ giúp các nước ngoài EU giao dịch với các thực thể bị trừng phạt của Nga, trong đó có các ngân hàng và công ty nhà nước Nga như Rosneft.

Những điều khoản miễn trừ này dành cho các thực thể thiết yếu đối với vận chuyển thực phẩm, hàng hóa nông nghiệp và dầu mỏ đến các nước thứ ba bên ngoài EU.

EU dường như đang nỗ lực rất nhiều để thuyết phục mọi người rằng các lệnh trừng phạt Nga hoàn toàn không liên quan đến tình trạng gián đoạn nguồn cung thực phẩm hoặc năng lượng, hoặc ít nhất là EU không muốn những điều này xảy ra.

EU đã nói trực tiếp trong một thông cáo khi công bố vòng trừng phạt mới nhất nhằm vào vàng của Nga: “EU cam kết tránh để các biện pháp trừng phạt dẫn đến mất an ninh lương thực trên toàn cầu. EU không áp dụng biện pháp nào hôm nay hoặc trước đó để cản trở quá trình giao thương nông sản, thực phẩm, trong đó có lúa mì, phân bón, giữa các nước thứ ba và Nga”.

Tất cả những điều này có nghĩa là EU thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt Nga không quá hiệu quả theo dự kiến, ​​mà thay vào đó đang gây tổn thương hoặc đe dọa làm tổn thương các bên thứ ba không tham gia cuộc xung đột Ukraine.

Trong khi EU điều chỉnh các biện pháp trừng phạt để tạo điều kiện cho Nga buôn bán nhiều dầu hơn nhằm tránh giá dầu tăng đột biến lần nữa, thì Anh lại do dự tham gia cùng EU để cấm bảo hiểm dầu cho các tàu Nga. Việc Anh tham gia siết chặt bảo hiểm dầu Nga là rất cần thiết vì các công ty bảo hiểm Anh tham gia lĩnh vực bảo hiểm vận chuyển dầu khá lớn.

Một thông tin gần đây của Financial Times về chủ đề này cho thấy điều này có thể liên quan đến Mỹ. Khác với EU, Mỹ đã chọn một cách khác để tìm cách giảm thu nhập từ dầu của Nga: áp giá trần. Anh, Canada, Đức, Nhật Bản, Pháp và Italy đã đồng ý theo đuổi biện pháp này.

Tuy nhiên, thông tin từ Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cho thấy biện pháp áp giá trần dầu Nga không diễn ra theo kế hoạch. Nhiều người từng nói rằng áp giá trần giá dầu thô Nga sẽ không hiệu quả.

Theo thông tin của Reuters từ đầu tuần này, ngoài áp giá trần, G7 đang xem xét một lệnh cấm toàn diện nhằm vào tất cả các dịch vụ cho phép vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga trên toàn cầu, trừ khi dầu được mua với giá bằng hoặc thấp hơn mức giá mà các đối tác quốc tế thỏa thuận.

Các quan chức G7 cũng nói thêm: “Khi cân nhắc lựa chọn này và các lựa chọn khác, chúng tôi cũng sẽ xem xét các cơ chế giảm thiểu tác động và các biện pháp để đảm bảo các quốc gia dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nhất vẫn có thể tiếp cận thị trường năng lượng, trong đó có thị trường Nga”.

Chú thích ảnh

Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức ngày 26.6. Ảnh: AFP/TTXVN

Nói cách khác, cũng giống như EU, G7 sẽ thận trọng để tránh gây ra thiệt hại ngoài ý muốn cho các nước không liên quan đến xung đột ở Ukraine, cho phép các nước này mua dầu Nga tự do. Sau đó, các sản phẩm tinh chế làm từ dầu của Nga sẽ quay trở lại EU.

Ấn Độ mua dầu của Nga, đưa vào các nhà máy lọc dầu và bán các sản phẩm tinh chế cho EU. Saudi Arabia cũng như vậy. Khi các sản phẩm của nước này tới EU, vận đơn sẽ không đề cập đến Nga.

Ông Alastair Crooke, Giám đốc một diễn đàn phi lợi nhuận có trụ sở tại Liban, nhận định: “Nói tóm lại, EU đang âm thầm tạo điều kiện thuận lợi để các nước vượt qua các biện pháp trừng phạt do chính mình áp đặt”.

Các nhà hoạch định chính sách của EU, Anh và Mỹ đã nhận ra rằng trừng phạt Nga sẽ không dễ dàng như trừng phạt một nhà xuất khẩu dầu nhỏ hơn, đặc biệt khi Nga cũng xuất khẩu nhiều thứ quan trọng khác, như thực phẩm và phân bón.

Mỹ thậm chí còn công bố một tờ thông tin để làm rõ rằng các lệnh trừng phạt không nhắm vào xuất khẩu phân bón, hay xuất khẩu nông sản của Nga.

Trong thực tế, Nga không chỉ sản xuất vũ khí và dầu, Nga còn sản xuất rất nhiều phân bón và nông sản để nuôi sống người dân bên ngoài nước Nga. Đó là chưa đề cập đến kim loại.

Bối cảnh này sẽ buộc EU, Anh và Mỹ phải nới lỏng chiếc thòng lọng trừng phạt.

Theo Báo Tin tức