Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Ngừng cứu hộ, đẩy nhanh dọn dẹp 

Hai tuần sau thảm họa động đất khiến hơn 46.000 người thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, ngày 20-2, Cơ quan Quản lý khẩn cấp và thảm họa (AFAD) của Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã chấm dứt công tác cứu hộ tại tất cả các tỉnh, ngoại trừ 2 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Kahramanmaras và Hatay.

Dư chấn tiếp tục

Theo người đứng đầu bộ phận giảm thiểu rủi ro AFAD, ông Orhan Tatar, AFAD đã ghi nhận 6.040 dư chấn trong vòng 2 tuần qua kể từ trận động đất kinh hoàng ngày 6-2. Hầu hết các dư chấn từ 3-4 độ Richter, có khoảng 40 dư chấn khác từ 5-6 độ Richter và đặc biệt 1 dư chấn 6,6 độ Richter.

Ông Orhan Tatar nhận định, các dư chấn sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài, do đó người dân nên tránh xa các tòa nhà bị hư hại. AFAD cho biết, gần 13.000 máy xúc, cần cẩu, xe tải và các phương tiện hỗ trợ khác đã được triển khai đến các khu vực chịu ảnh hưởng của trận động đất và đẩy nhanh công tác dọn dẹp đống đổ nát.

Rất nhiều người sống sót sau động đất chưa tìm được thực phẩm.

Ngày 20-2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khuôn khổ chuyến thăm căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ và thảo luận cách thức Washington có thể tăng hỗ trợ, ông Blinken nêu rõ, với mức độ thiệt hại do thảm họa động đất gây ra, Thổ Nhĩ Kỳ cần nỗ lực lớn để tái thiết, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực này.

Khủng hoảng kép

Theo AFAD, số nạn nhân thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ đến nay là 41.020 người, dự kiến sẽ còn tăng vì có khoảng 385.000 căn hộ bị phá hủy và hư hại nghiêm trọng, trong khi nhiều người vẫn mất tích. Những người sống sót cũng đang trải qua khủng hoảng về thực phẩm và nơi tạm trú.

Cơ quan quản lý sức khỏe sinh sản của Liên hiệp quốc (UNFPA) cho biết, trong số những người sống sót sau trận động đất ngày 6-2, có khoảng 356.000 phụ nữ mang thai tại cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cần tiếp cận khẩn cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản, trong đó 38.800 phụ nữ dự kiến sẽ sinh con trong tháng tới. Những phụ nữ mang thai này đang đối mặt nhiều nguy cơ do phải tạm trú tại các lều tị nạn trong thời tiết giá lạnh, trong khi không được đảm bảo về lương thực và nước sạch.

Tại Syria, 14 xe tải chở 1.269 lều và vật dụng sử dụng trong mùa đông của Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) đã đến Syria qua cửa khẩu Al-Hammam vào ngày 19-2. Nhờ nỗ lực thúc đẩy của Chương trình Lương thực thế giới (WFP), một trong số 14 xe tải chở hàng viện trợ của MSF đã đến khu vực Tây Bắc Syria, nơi còn chịu ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt do Liên minh châu Âu (EU) áp đặt từ năm 2011 đối với chính phủ nước này.

Ngày 20-2, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm tại tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ theo hiệp đồng với cơ quan chức năng sở tại. Theo TTXVN, tính đến ngày 20-2, lực lượng cứu nạn, cứu hộ Quân đội nhân dân Việt Nam đã thực hiện tìm kiếm tại 31 điểm tại Antakya và giúp nước bạn xác định được 15 vị trí có nạn nhân bị vùi lấp do trận động đất vừa qua, trong đó có 2 vị trí có dấu hiệu sự sống.

Lực lượng cứu nạn, cứu hộ của Quân đội nhân dân Việt Nam đã bàn giao cho đơn vị cứu hộ địa phương để sử dụng trang thiết bị hạng nặng đào bới và đưa 28 thi thể ra khỏi đống đổ nát. Trong quá trình triển khai hoạt động, đoàn đã phối hợp với đoàn Bahrain xác định 1 vị trí có 8 thi thể, và phối hợp với đoàn Mexico tìm được 2 vị trí có nạn nhân.

Nguồn sggp