Đằng sau quyết định tuyên thệ sớm của bà Sara Duterte 

Việc bà Sara Duterte tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống Philippines sớm hơn 11 ngày so với lệ thường cho thấy bà có tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài khuôn khổ cấp bậc của mình.

Bà Duterte đã phá vỡ truyền thống trong hàng thập kỷ tại Philippines.

Thay vì tổ chức lễ nhậm chức chung với Tổng thống đắc cử Ferdinand Marcos Jr vào ngày 30/6, bà Duterte tuyên thệ nhậm chức vào ngày 19/6, sớm hơn gần hai tuần.

Bà cho biết bản thân chọn tuyên thệ sớm để thành phố Davao - nơi bà làm thị trưởng lâu năm - có thể chứng kiến ​​buổi lễ. Nhưng theo nhà sử gia người Philippines Manolo Quezon, quyết định phá vỡ truyền thống ấy là “lời tuyên bố và nhắc nhở rằng bà Duterte vẫn nắm giữ sức mạnh (chính trị)”.

Bà Sara Duterte trong lễ tuyên thệ nhậm chức hôm 19/6. Ảnh: Presidential Photographers Division.

Lời nhắc nhở của bà Duterte

Theo hiến pháp 1987 của Philippines, nhiệm vụ của phó tổng thống là kế nhiệm trong trường hợp tổng thống chết hoặc mất năng lực nhận thức trong nhiệm kỳ 6 năm.

Vì thế, phó tổng thống thường sẽ tuyên thệ nhậm chức chỉ vài phút trước tổng thống đắc cử, trong khi tổng thống đắc cử sẽ tuyên thệ sát buổi trưa ngày 30/6 nhất có thể, ông Quezon nói.

Ramon Beleno, giảng viên khoa Khoa học chính trị, Đại học Ateneo de Davao (Philippines), cho rằng quyết định tổ chức lễ nhậm chức riêng cho thấy bà đang “đi trên con đường của chính mình” so với cha của bà và ông Marcos.

Nhưng giáo sư khoa học chính trị Jean Franco, thuộc Đại học Philippines, chỉ trích lễ tuyên thệ riêng của bà Duterte. Ông cho rằng quy trình tiến hành những sự kiện như vậy “rất quan trọng trên khía cạnh thể hiện tính tiếp nối” nên chúng không được “bị tính tùy hứng của bất cứ ai tác động”.

Tuy một số người ủng hộ đang ăn mừng những ngày đầu nhiệm kỳ của bà Duterte, cựu thẩm phán tối cao Antonio Carpio cho rằng lời tuyên thệ sẽ có hiệu lực “chỉ tại thời điểm chính thức bắt đầu nhiệm kỳ”. “Vì thế, bà ấy không thể khẳng định mình hiện là phó tổng thống”, ông Carpio nói.

Một dấu hiệu thể hiện tầm ảnh hưởng của bà Duterte là việc buổi lễ tuyên thệ kéo dài 2 tiếng hôm 19/6 tại thành phố Davao có sự tham gia của một số đại sứ nước ngoài, trong đó có Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên.


Bà Sara Duterte và Tổng thống đắc cử Ferdinand Marcos Jr. trong lễ tuyên thệ sớm hôm 19/6. Ảnh: Presidential Photographers Division.

Hôm 18/6, bà Duterte đã có buổi gặp với Đại sứ Hoàng. “Chúng tôi trao đổi quan điểm về tình hữu nghị lâu đời Philippines - Trung Quốc và nghĩ tới tương lai tốt đẹp hơn cho quan hệ song phương”, Đại sứ Hoàng viết trên Facebook.

Cùng ngày 18/6, Đại sứ Hoàng còn gặp ông Sebastian, em trai bà Duterte và là người thay thế bà trở thành thị trưởng thành phố Davao. Vị đại sứ cho biết đã bàn giao “13 tòa nhà trường học (trị giá hơn 2,7 triệu USD), khoản quyên tặng từ đại sứ quán nhằm cung cấp môi trường học tập tốt hơn cho học sinh Davao”.

Cuộc gặp giữa bà Duterte và đại sứ Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Marcos gần đây có sự thay đổi trong chính sách về Biển Đông.

Trước bầu cử, ông Marcos nói sẽ không ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, vốn bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông. Nhưng hôm 26/5, ông tuyên bố sẽ tôn trọng phán quyết này.

Liên minh mong manh

Giáo sư Franco nhận định liên minh quyền lực Duterte - Marcos “khá mong manh” và những liên minh tương tự trong quá khứ thường “mang tính chất tạm thời, chủ yếu vì mục đích bầu cử”.

Theo bà Franco, chính bà Sara Duterte đã đưa ông Marcos tới chiến thắng bằng cách tận dụng lực lượng đông đảo ủng hộ cha mình. Tuy nhiên, ông Marcos đã bổ nhiệm bà làm bộ trưởng Giáo dục, trong khi bà nhiều lần yêu cầu giữ chức lãnh đạo Bộ Quốc phòng.

Tổng thống đắc cử Marcos Jr. làm lễ tại đài tưởng niệm cha mình. Ảnh: AFP.

Giáo sư Franco cũng chỉ ra rằng người ngoài gia đình đầu tiên được bà Duterte mời lên sân khấu chụp ảnh sau lễ tuyên thệ hôm 19/6 không phải ông Marcos mà là cựu Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo.

Về vấn đề này, nhà sử gia Quezon cho rằng việc tổ chức lễ tuyên thệ riêng không có ảnh hưởng lên quan hệ quyền lực giữa bà Duterte và ông Marcos. Nhưng nó cũng “tiếp thêm sức sống cho một số phỏng đoán”.

“Ông Marcos sẽ phải cẩn trọng vì những lời đồn đoán ông sẽ bị tước tư cách bầu cử, và vì phía Duterte tiếp tục đi lệch khỏi những truyền thống được thiết lập từ lâu”, ông Quezon nói.

Ông Quezon đang nhắc đến việc Tòa Tối cao Philippines vẫn đang xem xét các đơn kiện yêu cầu loại ông Marcos khỏi cuộc bầu cử tổng thống hoặc hủy chiến thắng của ông.

Ủy ban Bầu cử Philippines (Comelec) trước đó đã bác bỏ những đơn kiện này, qua đó mở đường cho ông Marcos ra tranh cử. Tuy nhiên, các nguyên đơn tiếp tục kháng cáo.

Nếu tòa án nghiêng về Comelec, ông Marcos sẽ có thể ngồi vào nhiệm sở.

Nếu tòa án nghiêng về phía nguyên đơn trước ngày 30/6, ứng viên tổng thống với số phiếu cao thứ hai - tức bà Leni Robredo, Phó tổng thống sắp mãn nhiệm - sẽ trở thành người chiến thắng.

Nhưng nếu tòa án ra phán quyết có lợi cho nguyên đơn sau ngày 30/6, bà Sara Duterte sẽ trở thành tân tổng thống của Philippines, cựu thẩm phán Carpio nói với SCMP.

Nguồn Zing