Campuchia mở chiến dịch truy quét nạn buôn người

Bộ Nội vụ Campuchia mở chiến dịch rà soát người nước ngoài trên toàn quốc và đẩy mạnh hỗ trợ các nạn nhân của hoạt động buôn người.
>>> Vụ 40 người tháo chạy từ casino: Tạm giữ 2 nghi phạm đưa người xuất cảnh trái phép​

Kheang Phearum, phát ngôn viên chính quyền tỉnh Sihanoukville, hôm nay 21.8 cho biết giới chức đang tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát để đối phó với tình trạng buôn người và những băng nhóm tội phạm lừa gạt người nước ngoài tới quốc gia này lao động trái phép.

"Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để điều tra, truy tìm thủ phạm và trừng trị theo quy định", Phearum nói. "Chúng tôi đã lập đường dây nóng bằng tiếng Khmer, tiếng Trung Quốc và tiếng Anh để các nạn nhân trình báo. Chúng tôi sẽ giúp đỡ và giải cứu họ, bất kể họ thuộc quốc tịch nào".

Một nạn nhân của đường dây buôn người viết đơn trình báo tại đồn cảnh sát ở tỉnh Svay Rieng sau khi được giải cứu hồi tháng 6. Ảnh: Khmer Times. Một nạn nhân của đường dây buôn người viết đơn trình báo tại đồn cảnh sát ở tỉnh Svay Rieng sau khi được giải cứu hồi tháng 6. Ảnh: Khmer Times.

Đây là một phần trong chiến dịch truy quét nạn buôn người được giới chức Campuchia phát động gần đây. Bộ trưởng Nội vụ kiêm Phó Thủ tướng Campuchia Sar Kheng ngày 19.8 cho biết nước này đang mở cuộc rà soát quy mô toàn quốc đối với tất cả người nước ngoài đang sinh sống tại Campuchia, ngoại trừ các nhân viên đại sứ quán.

Ông Sar Kheng tuyên bố giới chức sẽ chú trọng tìm kiếm người nước ngoài là nạn nhân của những kẻ buôn người. Ông cho hay cảnh sát hai tỉnh Kandal và Sihanoukville đã bắt đầu kiểm tra tình trạng người nước ngoài cư trú hoặc làm việc tại các khách sạn, bất động sản cho thuê và sòng bạc.

Cảnh sát Campuchia đã bắt một số nghi phạm với cáo buộc tổ chức buôn người, nhiều nạn nhân cũng được đưa vào diện bảo vệ. Ông Kheng không nêu rõ số lượng và quốc tịch của họ, song xác nhận rằng một số người nước ngoài nói với cảnh sát họ bị thu hút bởi những công việc được mô tả là hợp pháp với thù lao hấp dẫn tại Campuchia.

Tuy nhiên, sau khi đến Campuchia, các nạn nhân bị ép làm các công việc bất hợp pháp, "không đúng như những gì họ đồng ý". Họ bị buộc phải thực hiện các cuộc gọi lừa đảo yêu cầu công dân ở Trung Quốc đại lục "nộp tiền phạt", hoặc mời chào các cơ hội đầu tư không có thật.

Tướng Chhay Sinarith, Phó Tư lệnh cảnh sát quốc gia cho biết chính quyền những năm gần đây đã phát hiện nhiều âm mưu tuyển dụng trực tuyến nhằm thu hút lao động bất hợp pháp, đồng thời bắt hàng trăm người từ Trung Quốc và đảo Đài Loan.

Nỗ lực đối phó nạn buôn người được Campuchia tiến hành sau khi giới chức Đài Loan ngày 19.8 thông báo nhận được đơn trình báo của thân nhân 333 người, cho hay họ bị mắc kẹt ở Campuchia vì bị các nhóm tội phạm dụ dỗ, hứa hẹn trả lương cao cho các "công việc công nghệ".

42 người Việt Nam gần đây cũng tháo chạy khỏi một casino tại Chrey Thum, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, bơi qua sông Bình Di về nước, trong đó có một người bị bắt lại và một người thiệt mạng.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã đề nghị giới chức Campuchia phối hợp điều tra nguyên nhân sự việc, đồng thời cảnh báo tình trạng người Việt Nam bị lừa đảo, môi giới đi lao động bất hợp pháp tại Campuchia thời gian qua.

Theo VnExpress