Các quốc gia G7 nhất trí đầu tư vào khí đốt tự nhiên

Ngày 28.6, Nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tán thành các khoản đầu tư vào khí đốt tự nhiên trong bối cảnh nhiều nước đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga.

Chú thích ảnh

Cơ sở khai thác dầu thô Syncrude ở phía Bắc Fort McMurray, Alberta, Canada. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một thông cáo được đưa ra, các nước Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Mỹ đã thể hiện sự ủng hộ việc tăng cường cung cấp nhiên liệu. Tuyên bố trên nhấn mạnh rằng: “Trong bối cảnh này và với mục tiêu đẩy nhanh việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, chúng tôi nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tăng cường cung cấp [khí tự nhiên hóa lỏng] và thừa nhận rằng đầu tư vào lĩnh vực này là cần thiết để đáp ứng với khủng hoảng hiện tại”. Các quốc gia G7 nói rõ rằng trong một số trường hợp, đầu tư của chính phủ vào lĩnh vực khí đốt có thể “thích hợp như một phản ứng tạm thời”.

Sự ủng hộ đối với nhiên liệu hóa thạch được đưa ra khi Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt tới một số quốc gia khi những nước này từ chối thanh toán bằng đồng ruble của Nga. Nga từ lâu đã là nhà cung cấp khí đốt lớn của châu Âu, cung cấp 40% lượng khí đốt tiêu thụ tại Liên minh châu Âu vào năm 2021. Tuy nhiên, sự tán thành trên đã tác động đến những người ủng hộ khí hậu, những người cho rằng các quốc gia nên hướng nhiều hơn tới các nguồn năng lượng không góp phần vào sự nóng lên toàn cầu. Tuyên bố từ bà Kate DeAngelis, Giám đốc chương trình tài chính quốc tế của" Friends of the Earth U.S" cho rằng: “Sự ủng hộ của cộng đồng đối với cơ sở hạ tầng khí đốt không phải là điều mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết. Các nước G7 đang thất bại với tư cách là những nhà lãnh đạo khí hậu thực sự khi từ bỏ các cam kết ở Glasgow và sử dụng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) như một biện pháp đáp ứng năng lượng”. Bản ghi nhớ của G7 cũng nêu rõ ý tưởng đặt giới hạn giá đã được thảo luận trước đó đối với dầu của Nga, nói rằng nhóm nước này có thể làm như vậy bằng cách cấm các dịch vụ giúp dầu của Nga vận chuyển bằng đường biển, trừ khi dầu được mua dưới một mức giá nhất định. Tuyên bố cho biết: “Đối với dầu mỏ, chúng tôi sẽ xem xét một loạt phương pháp tiếp cận, bao gồm các lựa chọn để có thể cấm toàn diện tất cả các dịch vụ, cho phép vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga trên toàn cầu, trừ khi dầu được mua bằng hoặc thấp hơn mức giá đã được thỏa thuận với sự tham vấn của các đối tác quốc tế”. Ngoài ra, các quốc gia cho biết họ hy vọng sẽ thành lập một “Câu lạc bộ Khí hậu” quốc tế vào cuối năm nay.

Theo TTXVN