Biến thể Omicron ít có khả năng gây hội chứng COVID kéo dài
Các nhà nghiên cứu tại Đại học King's College London đã sử dụng dữ liệu từ ứng dụng nghiên cứu triệu chứng ZOE COVID. Họ phát hiện ra rằng tỷ lệ phát triển các triệu chứng COVID kéo dài sau khi nhiễm Omicron thấp hơn từ 20-50% so với Delta. Con số này thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi của bệnh nhân và thời điểm tiêm vaccine gần nhất của họ.
Nhóm nghiên cứu cho biết đây là nghiên cứu hàn lâm đầu tiên cho thấy Omicron không có nguy cơ cao gây COVID kéo dài, nhưng điều đó không có nghĩa là số lượng bệnh nhân mắc hội chứng này sẽ giảm.
Mặc dù nguy cơ mắc COVID kéo dài đối với biến thể Omicron thấp hơn, nhưng nhiều người bị nhiễm biến thể này hơn, nên con số bị ảnh hưởng hiện nay cao hơn.
Ảnh: REUTERS/Henry Nicholls
Tiến sĩ Claire Steves, trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng đây là một tin tốt, nhưng mọi người không nên từ bỏ việc theo dõi và thăm khám sức khỏe hậu COVID-19.
Vào tháng 5, văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho biết 438.000 người ở nước này đã mắc hội chứng COVID kéo dài sau khi nhiễm Omicron, chiếm 24% tổng số bệnh nhân mắc hội chứng này tính từ đầu đại dịch. Nguy cơ mắc các triệu chứng kéo dài sau khi nhiễm Omicron thấp hơn so với Delta, nhưng chỉ đối với những người được tiêm đủ 2 mũi. Hiện cơ quan này chưa tìm thấy sự khác biệt về thống kê đối với những người đã được tiêm mũi 3.
Trong nghiên cứu mới này, 4,5% trong số 56.003 người được nghiên cứu trong thời gian đỉnh dịch Omicron (từ tháng 12/2021 đến tháng 3/2022) đã báo cáo các triệu chứng COVID kéo dài. Trong khi đó, con số này trong đợt Delta là 10,8% trên tổng số 41.361 người. Lưu ý, số liệu không so sánh những người đã được tiêm chủng và chưa được tiêm.
Theo Tiến sĩ Steves, công trình nghiên cứu trước đó không cho thấy sự khác biệt đáng kể về nguy cơ COVID kéo dài giữa các biến thể khác.
Nhóm nghiên cứu cho biết thêm, cần nghiên cứu thêm để xác định lý do tại sao Omicron gây nguy cơ hội chứng COVID kéo dài thấp hơn./.
Nguồn VOV.VN (Biên dịch)
Theo Reuters