Bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhất thế giới đã quay trở lại 

Theo chuyên gia, trong khi toàn cầu tập trung nỗ lực chống lại Covid-19 thì kẻ giết người lớn nhất thế giới - bệnh lao (TB) - đã quay trở lại.

Noor Alam (20 tuổi) bị bệnh lao khi còn rất trẻ. Ảnh chụp năm 2017, khi anh được điều trị tại Viện Bệnh Lồng ngực và Bệnh viện Quốc gia, Dhaka, Bangladesh. Ảnh: Probal Rashid/LightRocket.

Đây chính là điều mà ông Mel Spigelman, Chủ tịch Liên minh Bệnh Lao, nói trong bài phỏng vấn với AFP. Vị chuyên gia ca ngợi những tiến bộ nhanh chóng, ấn tượng trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19. Một loạt vaccine, xét nghiệm, phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả đã được phát triển trong hai năm.

Nhưng đó cũng là lúc thế giới chứng kiến sự trở lại của bệnh lao - căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhất thế giới.

"Sự thất bại lớn"

Bệnh lao là kẻ giết người truyền nhiễm lớn nhất thế giới trước khi Covid-19 xuất hiện. Mỗi năm, 1,5 triệu người tử vong vì căn bệnh này. Trong khi số ca chết vì Covid-19 trên toàn cầu đang giảm dần đều, theo ông Spigelman, bệnh lao đang trở lại với khác biệt đáng ngờ.

Liên minh Bệnh Lao là tổ chức phi lợi nhuận phát triển và cung cấp các loại thuốc có tác dụng nhanh hơn, giá cả phải chăng nhằm chống lại căn bệnh này, đặc biệt là ở các nước nghèo hơn. Theo tổ chức này, bệnh lao đã giết chết 4.109 người/ngày, dựa theo tỷ lệ tử vong hàng năm.

Trong khi đó, với Covid-19, 1.449 người tử vong mỗi ngày, dựa trên 40.578 người chết được báo cáo trong 28 ngày qua từ thống kê của Đại học Johns Hopkins.

Nhưng không giống Covid-19, dù xu hướng dần hạ nhiệt, thậm chí là suy yếu, vẫn được thế giới quan tâm, việc điều trị lao trở thành khoảng trống rất lớn trong ngành y tế.

Trên thực tế, đại dịch đã có tác động tàn khốc với những nỗ lực chống lại bệnh lao. Các bệnh viện lao buộc phải thay đổi để dành chỗ chăm sóc cho các người mắc Covid-19. Nhiều nơi phải đóng cửa cách ly khiến người bị lao khó được chẩn đoán, chăm sóc.

Hậu quả là số ca tử vong do lao hàng năm đã tăng vào năm 2020. Đây là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến sau 10 năm. Ông Spigelman gọi đây là "sự thất bại lớn", "bước đi lùi không thể tin được".

Hàng tỷ USD được đầu tư cho cuộc chiến chống Covid-19, những tai ương kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa chính trị gia tăng khiến các nhà tài trợ hàng đầu thắt chặt ngân sách với bệnh lao. Hầu hết nhà tài trợ cho Liên minh Bệnh Lao không thể cam kết cung cấp nguồn kinh phí nhiều hơn một năm. Điều này rất bất ngờ và họ cũng cắt giảm nhiều chi phí. Thậm chí, các nhà tài trợ quen thuộc từ Vương quốc Anh đã nói không với căn bệnh này vào năm nay.

Ông Spigelman nói: “Tôi rất lo lắng những tiến bộ đã đạt được, vốn đã bị xói mòn bởi Covid-19, thậm chí còn có thể bị xói mòn thêm nữa".


Vi khuẩn lao kháng thuốc trở thành vấn nạn, nỗi ám ảnh trong cuộc chiến chống lại căn bệnh chết người này. Ảnh: Atul Loke/Panos Pictures.

Tình trạng kinh khủng

Trớ trêu thay, những khó khăn này đang ập đến trong bối cảnh thế giới đối mặt với cuộc cách mạng trong điều trị lao kháng thuốc.

Khoảng 5% trong số 9,5 triệu người mắc bệnh lao mỗi năm không đáp ứng với các loại kháng sinh thường được kê đơn. Điều này gây khó khăn rất lớn trong điều trị. Theo ông Spigelman, thời gian gần đây, "tình hình lao kháng thuốc thật kinh khủng".

Bệnh nhân buộc phải uống 5-8 viên thuốc mỗi ngày. Họ cũng thường phải tiêm hàng ngày, kéo dài đến 2 năm. Đi kèm với đó là những tác dụng phụ khủng khiếp, tỷ lệ chữa khỏi bệnh chỉ còn khoảng 20-30%.

Nhưng một phác đồ thuốc mới mang tên BPaL đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê duyệt vào năm 2019. Liệu trình chỉ gồm 3 viên thuốc uống mỗi ngày trong 6 tháng, ít tác dụng phụ hơn, tỷ lệ chữa khỏi là 90%.

Ông Spigelman nói: "Tôi nghĩ nó thực sự sẽ là thứ tuyệt vời để thay đổi cuộc chơi". Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng thừa nhận "chúng ta đang ở gần điểm bắt đầu của cuộc hành trình này hơn là đã đi đến cuối". Thế giới rất cần nguồn lực để triển khai phác đồ mới cho những bệnh nhân cần nó.

Và với bệnh lao, nguồn lực luôn thiếu hụt.

Ông Spigelman cho rằng cho việc thiếu khẩn cấp trong việc diệt trừ bệnh lao vì nó bị xem là "căn bệnh của người nghèo". Ông nói: “Nếu những người giàu trên khắp thế giới nhận bị nhiễm lao, tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy phản ứng rất khác".

Hiện tại, các vaccine ứng cử viên chống lại lao dần rơi rụng mất. Các dự án không có kinh phí để phát triển thêm và cũng không có nỗ lực nào để triển khai thử nghiệm dễ dàng như vaccine Covid-19.

Chính vì thế, ông Spigelman cảnh báo kịch bản đáng lẽ có thể xảy ra nhưng rất xa vời: Nếu các nguồn lực đổ vào Covid-19 được đầu tư tương ứng cho bệnh lao, căn bệnh này có thể bị xóa sổ hoàn toàn.

"Nếu đủ các nguồn tài nguyên, tôi cá với bạn nó có thể bị tiêu diệt", ông nhấn mạnh.

Nguồn Zing