Bài học vụ Việt Á qua kết luận của Uỷ ban Kiểm tra 

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ đường đi của một đề tài khoa học cấp nhà nước phục vụ cấp bách cho việc phòng, chống dịch bệnh đã bị các cá nhân thoái hoá biến chất thao túng, làm trái và lợi dụng tinh vi để kiếm tiền chia nhau.

Đến nay, vụ án Việt Á đang đi dần đến hồi kết. Nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm đã bị cơ quan chức năng xử lý. Trong một động thái hiếm, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vừa chỉ rõ nguyên nhân và bài học rút ra từ vụ án này.

Nói gọn lại, bài viết đăng trên trang tin điện tử của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho thấy rõ đường đi của một đề tài khoa học cấp nhà nước phục vụ cấp bách cho việc phòng, chống dịch bệnh đã bị các cá nhân thoái hoá biến chất thao túng, làm trái và lợi dụng tinh vi để kiếm tiền chia nhau. 

Của công thành của tư

Ngay từ bước đi đầu tiên những người có trách nhiệm trong vụ việc này đã làm trái quy định của pháp luật. Ai cũng tưởng đây là đề tài khoa học cấp bách mà Bộ KHCN hợp tác cùng Bộ Quốc phòng và giao cho Học viện Quân y thực hiện nhưng thực tế lại không phải vậy. Một cách làm ngược là từ đề tài của Học viện Quân y đề xuất thẳng lên Bộ KHCN không thông qua Bộ Quốc phòng.


Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y bị cách tất cả chức vụ trong Đảng do liên quan đến việc nghiên cứu kít xét nghiệm

Học viện Quân y có Công văn gửi Bộ KHCN đặt hàng nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia về nghiên cứu bộ kít xét nghiệm phát hiện Covid-19 trái quy định của pháp luật, vi phạm Thông tư 07/2014/TT-BKHCN, của Bộ KHCN (công văn đề xuất đặt hàng phải là cấp bộ, ngành ký) và Quy định của Bộ Quốc phòng.

Cái sai nọ lại chồng sai kia. Văn bản đề nghị này lại không trình lên Bộ KHCN mà Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật trực tiếp nhận văn bản đề nghị của Học viện Quân y và tham mưu trình Bộ KHCN.

Cái sai tiếp là khi hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ được thành lập và hoạt động, hội đồng đã kiến nghị xét giao trực tiếp việc thực hiện đề tài theo hướng Học viện Quân y là cơ quan chủ trì; Công ty Việt Á là cơ quan phối hợp, theo đề xuất của Chủ tịch Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ Lê Bách Quang (nguyên Phó Giám đốc Học viện Quân y), nhưng không đưa ra Hội đồng thảo luận, nhằm mục đích để Công ty Việt Á được tham gia sản xuất thử nghiệm bộ kít xét nghiệm Covid-19.

Một công trình khoa học tiêu tốn ngân sách nhà nước gần 19 tỷ nhưng lại để Công ty Việt Á thâu tóm, chiếm đoạt bất hợp pháp, chuyển sản phẩm nghiên cứu của nhà nước thành sở hữu của mình để từ đó tiến hành thương mại hoá cung cấp ra thị trường, thu lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng.

Liên minh ma quỷ

Liên quan đến việc để Công ty Việt Á “thâu tóm”, chiếm đoạt bất hợp pháp,  sở hữu đề tài bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid -19 còn có những vi phạm của Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Y tế trong việc buông lỏng lãnh đạo, kiểm tra. Việc ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ gửi email cá nhân cho Bộ KHCN (không có chữ ký, không đóng dấu) xác nhận bộ sinh phẩm của Học Viện Quân y đạt tiêu chuẩn độ nhạy, độ đặc hiệu, tính ổn định…là không đúng quy định, không có giá trị pháp lý.


Nguyên Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh và nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị bắt vì liên quan đến vụ Việt Á

Một số đơn vị thuộc Bộ và cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của Bộ Y tế trong việc cấp số đăng ký lưu hành; việc giám sát, đánh giá, kiểm tra, thẩm định quy trình kiểm định chất lượng; hiệp thương giá và kiểm tra việc hiệp thương giá, mua sắm bộ kít xét nghiệm Covid-19 do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty Việt Á sản xuất.

Bộ Y tế ban hành 6 văn bản trong đó có văn bản đưa ra giá tham khảo một bộ kít là 470 ngàn đồng để các CDC tỉnh, thành, các bệnh viện căn cứ vào đó để đưa ra giá đấu thầu, mua của Việt Á nhưng khi dư luận lên tiếng lại chối bỏ. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, chính những văn bản hướng dẫn mà cơ quan điều tra chỉ ra đã bóc trần sự nguỵ biện đó.

Như vậy từ cái sai này đã dẫn đến cái sai khác thành một vòng tròn. Nhìn vào các khâu, khâu nào cũng không đúng quy định của pháp luật, thế mà cấp uỷ Đảng, lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị trên vẫn cứ ngang nhiên thực hiện. Hơn nữa họ còn bao che, quảng cáo không đúng sự thật. Nghiêm trọng hơn, họ lừa dối dư luận, tổ chức họp báo, đăng tải chất lượng không đúng sự thật…

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra những bài học đắt giá trong vụ án này. Đây cũng là cơ sở để phòng chống tham nhũng, sai pham.

Các tổ chức, cá nhân trong vụ án này đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy chế làm việc. Đây là các nguyên tắc cơ bản của Đảng, có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì hoạt động của Đảng với tính chất là một đảng cách mạng và khoa học.

Trách nhiệm và vai trò nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị vi phạm trên đều chưa được thực hiện tốt. Không chỉ vậy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị còn vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, quy định trách nhiệm nêu gương, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ, có biểu hiện “liên minh lợi ích nhóm”, dẫn tới hàng loạt vi phạm của đảng viên, tổ chức đảng.

Ở đây chính là sự suy thoái về đạo đức lối sống, sự thoái hoá, biến chất, tự chuyển hoá. 

Những vi phạm và bài học trên được Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra cũng chính là những chỉ dẫn quan trọng cho những người thực thi nhiệm vụ trong vụ án, gỡ những nút thắt để bóc dần những mảng tối mà “liên minh ma quỷ” này thực hiện. Cho đến nay đã có hơn 70 cá nhân bị truy tố, bị bắt giam để điều tra. Một vụ án đã làm rung động cả nước. 

Nguyễn Đăng Tấn

Nguồn VietNamNet