Anh khởi động chương trình đào tạo binh sĩ Ukraine

Nhóm đầu tiên trong gần 10.000 binh sĩ Ukraine thuộc diện được huấn luyện quân sự đặc biệt đã có mặt tại Anh.

Chú thích ảnh

Binh sĩ Ukraine quan sát tại vị trí ở Irpin, Ukraine. Ảnh: Getty Images

Dẫn một thông báo từ Bộ Quốc phòng Anh ngày 9.7, kênh truyền hình RT đưa tin các binh sĩ Ukraine đã gặp mặt quan chức quân đội cấp cao của Anh.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết khoảng 10.000 binh sĩ Ukraine dự kiến tham gia chương trình trong một vài tháng tới. Chương trình đào tạo này được miêu tả là giai đoạn hỗ trợ tiếp theo của Anh đối với quân đội Ukraine.

"Với chuyên môn mang đẳng cấp thế giới của quân đội Anh, chúng tôi sẽ giúp Ukraine xây dựng lại lực lượng và mở rộng quy mô kháng chiến để họ bảo vệ chủ quyền và quyền lựa chọn tương lai của chính mình", Bộ trưởng Wallace tuyên bố.

Theo ước tính của Bộ Quốc phòng, cho đến nay, London đã chi hơn 2,3 tỷ bảng Anh (2,7 tỷ USD) viện trợ quân sự Ukraine.

Khoảng 1.050 binh sĩ Anh sẽ tham gia đào tạo tại một số địa điểm bí mật trên khắp đất nước, với mỗi khóa học kéo dài vài tuần.

Theo Bộ Quốc phòng Anh, chương trình đã được thiết kế đặc biệt để đào tạo các kỹ năng hiệu quả trong chiến đấu tiền tuyến cho các tân binh có ít hoặc không có kinh nghiệm quân sự. Các lĩnh vực kiến ​​thức được huấn luyện bao gồm xử lý vũ khí, sơ cứu chiến trường, thao tác dã chiến, chiến thuật tuần tra cũng như luật xung đột vũ trang. Nhằm đảm bảo quân đội Ukraine quen thuộc với các loại vũ khí mà họ sẽ sử dụng trong quá trình huấn luyện, London đã nhanh chóng mua thêm súng trường tấn công AK. Các trang thiết bị khác như mũ bảo hộ, áo giáp, quân phục dã chiến và ủng cũng được nước chủ nhà chu cấp.

Thông báo cũng chỉ ra rằng Anh có lịch sử lâu dài trong việc hỗ trợ các binh sĩ Ukraine. Từ năm 2015 đến năm 2022, Anh đã cung cấp huấn luyện cho khoảng 22.000 quân nhân Ukraine.

Cuối tháng 2, Nga đã triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine sau khi cáo buộc quốc gia láng giềng không thực hiện các điều khoản của các thỏa thuận Minsk được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014. Kể từ đó đến nay, Điện Kremlin luôn yêu cầu Ukraine tuyên bố là một quốc gia trung lập và cam kết không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu.

Về phần mình, Kiev khẳng định hoạt động quân sự của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ thông tin cho rằng nước này đang có kế hoạch giành lại Donetsk và Luhansk bằng vũ lực.

Theo Báo Tin tức