Người Hội An thâu đêm làm lân, lãi lớn mùa trung thu

Từ tháng 4 đến nay, cơ sở làm lân của anh Nguyễn Hưng (48 tuổi, xã Cẩm Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) liên tục sáng đèn, anh phấn khởi vì dịp trung thu này số lân đặt tăng gấp đôi năm ngoái.

Tăng gấp đôi năm ngoái

“Thời gian một tháng qua hầu như gia đình tôi tất bật quanh những con lân, mỗi ngày chợp mắt khoảng mấy tiếng rồi bật dậy làm việc cho kịp trả hàng”, anh Hưng giãi bày.

Đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, anh Hưng chia sẻ rằng mỗi tối, giờ ngủ sớm nhất trong gia đình lúc 2h sáng. Mỗi người một công việc để giao kịp khoảng 40 đầu lân và 5 con rồng trong dịp này.

Năm nay, gia đình anh Hưng tổng lực vào làm đầu lân, anh sẽ là người lên sườn khung đầu, con gái và con rể dán vải, giấy, sau đó vẽ, tô, còn vợ anh sẽ lo đuôi, quần lân…

Từ tháng 4 đến nay, cơ sở làm lân của anh Hưng liên tục sáng đèn. Anh hồ hởi vì năm nay số lân đặt trong dịp lễ này tăng gấp đôi năm ngoái

“Năm nay đầu lân nhỏ ít người chuộng, tôi chỉ tập trung vào đầu lân lớn vì được đặt rất nhiều. Loại hàng ‘đắt khách’ nhất năm nay là lân chuẩn quốc tế. Loại này dễ nên hầu như lò nào cũng làm được, khách hàng chuộng loại này vì giá cả phải chăng. Mỗi bộ gồm đầu, đuôi, quần dao động từ 5-7 triệu đồng”, anh Hưng chia sẻ.

Một loại đầu lân khác được giới võ đường ưa chuộng đó chính là lân truyền thống do chính anh làm. Loại lân truyền thống này có tên Kim Sư, đây là đầu lân chính tay anh Hưng sáng tác.

Mỗi con Kim Sư được anh Hưng tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ nên có giá thành lên đến gần 10 triệu/bộ. Để giá thành lên cao như vậy, anh Hưng chỉ rõ, Kim Sư là loại lân dùng để thi đấu trong các lễ hội lân.

Dịp trung thu năm nay, anh Hưng nhận khoảng 40 đầu lân và 5 con rồng

Nó khác so với lân quốc tế ở chỗ, các nét sơn không dùng máy mà dùng tay để vẽ. Nhiều chi tiết trên đầu lân được khắc họa đậm hơn, như rồng vẽ trên đầu lân cần có những đốm vảy khắc họa.

“Khung sườn của nó cần uốn để con lân mạnh mẽ hơn so với lân quốc tế. Hay mũi, mắt, miệng đều được làm to, tròn hơn.

Một điều để thấy sự khác biệt giữa lân quốc tế và lân truyền thống, đó chính là việc chúng tôi sẽ không dùng lông cừu trên đầu lân. Những bộ phận như râu, lông mắt sẽ được chúng tôi thay thế bằng những sợi cước hoặc tước từng sợi dây nilon thay thế vào”, anh Hưng cho hay.

Năm nay đầu lân nhỏ ít người chuộng, anh Hưng chỉ tập trung vào đầu lân lớn vì được đặt rất nhiều

Giải thích việc thay đổi lông cừu bằng hai vật liệu trên, anh Hưng cười và đáp, khi dùng dây cước, đặc biệt dây nilon sẽ tạo độ đàn hồi, bồng bềnh đẹp hơn rất nhiều so với lông cừu.

“Hồn của con lân từ đó sẽ rõ ràng, nhìn mạnh mẽ và khí chất hơn rất nhiều so với lân gắn lông cừu. Năm nay, con lân Kim Sư do tôi làm được võ đường Dinh Trấn Võ ở thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), mang đi thi và giành được giải nhất toàn quốc cuộc thi biểu diễn lân ở Huế cách đây vài hôm”, anh Hưng khoe.

Loại lân truyền thống tên là Kim Sư, đây là đầu lân chính tay anh Hưng sáng tác

Lời 200 triệu đồng

Con gái của anh Hưng - Huyền My (26 tuổi) cũng là người trong nghề được hơn 15 năm. Chị kể, từ năm 11 tuổi, chị đã được bố hướng dẫn làm lân, đến bây giờ, chị phụ trách việc dán vải, giấy và vẽ lân.

“Mỗi con lân từ lúc bắt đầu đến khi hoàn thành trung bình 3 ngày. Việc khó khăn nhất có lẽ là vẽ, đây là giai đoạn cần tập trung cao độ. Phần nữa, mỗi nét vẽ đẹp giúp cho sản phẩm có hồn hơn.

Con gái anh Hưng làm lân từ năm 11 tuổi

Trên đầu lân, cùng với những tình tiết quan trọng, nơi cần lưu ý nhất mỗi lúc hoàn thành tác phẩm đó chính là mắt. Hồn túy của mỗi con lân được mọi người hay chú ý đó là đôi mắt, đôi mắt càng đẹp, càng tôn vẽ đẹp của sản phẩm người múa”, chị My bày tỏ.

Quán xuyến phần đuôi và quần lân, vợ anh Hưng, chị Phùng Thị Hòa đang chuẩn bị cho những bộ lân cuối cùng dịp trung thu này, chị hớn hở: “Năm nay ổn định hơn năm trước nhiều, doanh thu khoảng 320 triệu. Trừ vốn, vật liệu ra, không kể công cán lời khoảng 200 triệu đồng”.

Trừ vốn, vật liệu ra, không kể công cán thì năm nay lời khoảng 200 triệu đồng

Chị Hòa thông tin thêm, năm nay gia đình chỉ làm lân lớn, những năm tới sẽ trở lại làm đầu lân nhỏ, thêm với đó tập trung thêm mặt hàng ông địa để phục vụ thị trường.