Xóm nhỏ ở Hà Nội cùng sửa soạn cỗ trung thu đầm ấm

Bà con sống trong xóm đều quan niệm “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Bởi vậy, tình nghĩa lối xóm ngày càng thấm đượm.

Mấy năm gần đây, nhiều hộ dân ở ngõ 2 (Hà Trì 1, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội) đã quá quen thuộc với những buổi tụ tập ăn uống chung.

Dù mỗi hộ đều có nghề nghiệp, hoàn cảnh kinh tế và tính cách khác nhau nhưng luôn đoàn kết, yêu thương và coi nhau như một đại gia đình.

Mỗi ngày, dù phải đi làm bận rộn từ sáng đến tối nhưng xóm nhỏ lúc nào cũng ríu rít, rôm rả tiếng cười nói, chào hỏi nhau.

Cả xóm cùng nhau tổ chức trung thu cho trẻ em.

Bà con sống trong xóm đều quan niệm “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Bởi vậy, tình nghĩa lối xóm ngày càng thấm đượm. 

Anh Tâm, một người dân sống ở ngõ 2 cho biết, tuần nào, các hộ gia đình ở đây cũng cùng nhau ăn chung.

“Ngày thường, bà con đều phải đi làm, đi học ít có thời gian gặp nhau trò chuyện. Thế nên, cuối tuần, mọi người tranh thủ được nghỉ làm, bàn nhau nghĩ món ăn mới để cùng đi chợ, chế biến và ngồi ăn chung”, anh Tâm chia sẻ. 

Mỗi buổi như vậy, mọi người thường sắp xếp cho trẻ con ăn trước, ăn xong người lớn ngồi tụ tập vừa ăn vừa trò chuyện. Tình làng nghĩa xóm cứ thế mà trở nên gần gũi, tình cảm ngày càng đi lên.

Người đàn ông trung niên này còn tiết lộ cả xóm ai nấy đều thẳng thắn, hòa đồng. Họ thường xuyên chuyện trò cùng nhau nên hiểu tính cách, không bao giờ xảy ra xích mích, to tiếng. 

Mỗi lần quây quần ăn uống, chi phí sẽ được chia đều cho các hộ một cách công khai. Thế nên, mọi người lúc nào cũng thoải mái, vui vẻ.

Vào các dịp Rằm tháng Giêng, Rằm tháng 7, tết Trung thu… cả xóm lại cùng nhau đi chợ mua sắm thực phẩm, làm mâm cỗ chay tại gia. 

Khi cúng xong, họ lại cùng nhau tụ tập ăn uống ở một gia đình có không gian rộng nhất xóm.

“Tết Nguyên đán, các gia đình cùng góp tiền gói bánh chưng, làm giò thủ, mứt... Ngoài ra, các chị em còn giúp nhau mua bánh kẹo, làm nước uống, mua hoa Tết... Ngày cuối năm, dù bận cỡ nào, xóm cũng tổ chức tất niên hoành tráng mới chịu chia tay nhau. Mọi người còn đi chúc Tết, đi lễ chùa cùng nhau”, anh Tâm cho biết.

Mỗi dịp trung thu về, xóm lại họp bàn kế hoạch tổ chức buổi tiệc đầm ấm cho các cháu, cùng làm đèn ông sao to nhỏ. 

Để có thể chuẩn bị chu đáo, xóm sẽ phân công hội chị em đi chợ mua thực phẩm, lên thực đơn và chế biến thực phẩm. Trong khi đó, những ông chồng sẽ ngồi làm đèn ông sao, căng rạp, kê bàn ghế, loa đài…

“Mỗi người mỗi việc, ai nấy đều tự giác và hồ hởi làm, chẳng tị nạnh nhau nên công tác chuẩn bị trung thu đều đúng thời hạn. Vì góp tiền tổ chức trung thu nên chi phí rất tiết kiệm, chỉ khoảng gần 5 triệu đồng mà cả xóm có trung thu vui hết cỡ và nhiều món ăn cho trẻ”, chị Nguyên, Trưởng ngõ 2 tươi cười chia sẻ.

Trẻ em trong xóm vui vẻ đón Trung thu cùng nhau.

Sau khi quây quần bên mâm cỗ trung thu, cả xóm từ già đến trẻ vừa liên hoan ngọt vừa gửi đến nhau những lời chúc mộc mạc, đượm tình làng nghĩa xóm.

Mâm cỗ Trung thu đầy ắp thức ăn, bánh trái cho trẻ nhỏ của xóm.

“Ngoài những hoạt động trên, tình làng nghĩa xóm của các hộ gia đình ở ngõ 2 còn thể hiện qua việc cho và nhận quà. Đôi khi, nhà này biếu cho nhà kia chỉ vài món quà quê đơn giản như: con gà, con cá, mớ cua, ít hoa quả, mớ rau, bát canh chua… 

Nói chung hễ có gì ngon, lạ miệng là bà con lại mang biếu hàng xóm. Dù nhà nào cũng có nhưng đó là tấm lòng cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi”, chị Nguyên khẳng định.

Thảo Nguyên