Tình trạng hành hung nhân viên y tế, 'cò bệnh viện' diễn biến phức tạp ở TP.HCM
Người phụ nữ gần đứt rời cánh tay vì áo chống nắng cuốn vào bánh xe máy
Dùng thuốc giảm cân cấp tốc để dự cưới con gái, người phụ nữ chết thương tâm
2 mẹ con sản phụ thoát chết sau khi mang căn bệnh không được phép có thai
Thông tin trên được TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ trong Hội thảo “Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM”, do Công an thành phố phối hợp tổ chức ngày 16/12.
Theo ông Dũng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng ghi nhận có từ 8-40% nhân viên y tế từng bị bạo lực thể chất. Sau đại dịch Covid-19, số vụ bạo hành y tế cũng tăng hơn. Nguyên nhân được cho là vì các bệnh viện công lập không đủ nhân viên y tế nên không đủ thời gian giao tiếp và tương tác với người bệnh. Điều này khiến bệnh nhân, người nhà không hài lòng, kém tin tưởng.
Ông Dũng cho biết TP.HCM có hệ thống y tế lớn nhất cả nước, từ y tế cơ sở đến chuyên sâu, từ công lập đến tư nhân, từ khám chữa bệnh tới cấp cứu. Do đó, an ninh trật tự trong ngành là vấn đề lớn cần quan tâm.
Trong năm 2022, các cơ sở y tế trực thuộc sở ghi nhận 240 vụ trộm cắp lừa đảo móc túi, 84 vụ gây mất an ninh trật tự, trong đó có 15 trường hợp hành hung nhân viên y tế, 167 vụ việc được chuyển về công an địa phương xử lý.
Vị lãnh đạo này đánh giá ngành y tế thành phố đang đứng trước những thách thức về an ninh trật tự. Trong đó, nạn cò bệnh viện diễn biến phức tạp. Các đối tượng này lôi kéo, dẫn dụ người bệnh để đưa đến các cơ sở tư nhân và trá hình, không tuân thủ pháp luật.
Ngoài ra, nạn buôn bán gây mất trật tự trước cổng bệnh viện, giả làm người đi khám bệnh để trộm cắp tài sản, hay lợi dụng tình trạng quá tải để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; giả mạo nhân viên y tế, giả mạo Thanh tra Sở Y tế, sử dụng giấy tờ giả.... cũng khiến tình hình thêm căng thẳng.
Một thách thức khác là nạn giả danh cơ sở khám chữa bệnh, hoạt động không phép. Những cơ sở này sử dụng bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề, có hành vi vẽ bệnh moi tiền của người dân, hoặc cơ sở thẩm mỹ chui, đào tạo chui, khi bị xử lý sẽ sang tên đổi chủ, hoạt động với tên mới...
"Một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có yếu tố nước ngoài không tuân thủ pháp luật, trục lợi trên sức khỏe của người bệnh thời gian qua đã gây bức xúc dư luận", Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh, vấn nạn hành hung nhân viên y tế tại bệnh viện thời gian qua đã gây tâm lý hoang mang và bất an cho đội ngũ y tế, làm giảm chất lượng khám chữa bệnh và uy tín của các bệnh viện.
Trước thực trạng trên, ngành y tế đề xuất tiếp tục phối hợp với Công an TP.HCM trong đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở y tế. Các bệnh viện cần phối hợp chặt chẽ với công an địa phương, trao đổi thông tin thường xuyên; tăng cường hệ thống camera an ninh, đặc biệt ở các bệnh viện tuyến cuối.
Ngoài ra, cần phải giảm tải ở khoa cấp cứu - điểm nóng của các bệnh viện lớn, tăng cường lực lượng bảo vệ tại các bệnh viện, tập huấn kỹ năng cho nhân viên y tế xử lý khi xảy ra tình huống xấu. Ngành y tế cũng tăng cường các kênh thông tin tiếp nhận phản ánh của người dân từ ứng dụng trên điện thoại, đường dây nóng về phòng khám vẽ bệnh…
Sở Y tế TP.HCM cũng kiến nghị các cấp cao hơn, xem xét bổ sung điều khoản của luật nhằm đảm bảo an ninh trật tự trong lĩnh vực y tế.