Nhiều bệnh viện công “đói thuốc”
Thiếu thuốc, thiếu nhân lực
Thiếu thuốc, trang thiết bị tác động mạnh tới sự hài lòng của người bệnh, nhân viên y tế
Sửa đổi, bổ sung hàng loạt văn bản luật gỡ ‘khó’ thiếu thuốc, trang thiết bị y tế
Người dân nhận thuốc BHYT tại TTYT thị xã Hoà Thành.
Hàng loạt cơ sở y tế thiếu thuốc
Thời gian gần đây, nhiều bệnh nhân KCB tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Bến Cầu phải tự mua thuốc bên ngoài vì đơn vị đã hết một số loại thuốc thuộc danh mục bảo hiểm y tế chi trả. Bà Trương Thị Quyên (xã Long Khánh, huyện Bến Cầu) cho biết, bà là người giám hộ của em trai bị mắc bệnh tâm thần, tiểu đường đang được điều trị tại TTYT Bến Cầu.
Khoảng 4 tháng nay, dù đã đi đến nhiều bệnh viện trong tỉnh và bệnh viện lớn tại TP. Hồ Chí Minh, bà Quyên vẫn phải chi một số tiền lớn để mua thuốc theo toa bác sĩ. “Em tôi mắc bệnh nan y nên cần đến thuốc đặc trị, mà thuốc uống thì mua dễ, còn thuốc để chích rất khó mua. Tôi hỏi khi nào có thuốc, bệnh viện nào cũng kêu chờ. Nhưng bệnh thì không thể chờ được”- bà Quyên bức xúc.
Theo bác sĩ Trần Văn Miền- Phó Giám đốc TTYT Bến Cầu, sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, người dân đến TTYT để khám, chữa bệnh BHYT rất đông. Tuy nhiên, trước tình hình thiếu thuốc như hiện nay, số lượng người đến khám ngày càng giảm, họ chọn đi đến bệnh viện khác KCB.
Không chỉ thiếu thuốc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hay TTYT Bến Cầu, các cơ sở y tế trong tỉnh cũng đang xảy ra tình trạng thiếu thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế. Lý do được nhiều lãnh đạo cơ sở y tế nêu ra là đang chờ kết quả đấu thầu thuốc.
Hiện số lượng thuốc dự kiến sử dụng 6 tháng cuối năm 2022 còn rất ít, trong đó các thuốc kiểm soát đặc biệt (thuốc hướng thần, gây nghiện) và các loại thuốc thuộc danh mục cấp cứu cần thiết, thuốc điều trị các bệnh mạn tính như: đái tháo đường, tim mạch, huyết áp, thuốc kháng sinh dạng tiêm truyền...
Theo bác sĩ Trần Thanh Danh- Phó Giám đốc TTYT huyện Tân Châu, số lượng thuốc tồn kho đến 31.5.2022 chỉ đủ đáp ứng nhu cầu khám, điều trị trong thời gian ngắn, từ 2-3 tháng. Ngoài ra, một số hoá chất, vật tư y tế (VTYT) như phim X-quang, phim CT-scanner, hoá chất xét nghiệm đang thiếu trầm trọng. Nhiều loại thuốc khi đưa vào danh mục có số lượng ít, giá thấp, chi phí vận chuyển cao nên nhà cung cấp không tham gia thầu.
Thiếu thuốc, các cơ sở y tế phải dùng thuốc thay thế để khắc phục tình trạng tạm thời.
Khó khăn từ cơ sở
Theo bác sĩ Trần Thanh Danh, công tác mua sắm thuốc, hoá chất, VTYT chủ yếu theo kết quả đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương và cấp quốc gia. Hiện tất cả các hợp đồng mua sắm của TTYT huyện Tân Châu đều đã hết hiệu lực.
Trong khi đó, một số hoá chất, VTYT yêu cầu phải phù hợp với cấu hình, thông số kỹ thuật của trang thiết bị hiện có nên đơn vị gặp khó khăn trong khảo sát giá kế hoạch. Mặt khác, những gói thuốc có giá trị thấp, số lượng ít, chi phí vận chuyển cao, trượt giá nên nhiều đơn vị không tham gia đấu thầu.
Bên cạnh đó, các quy định hướng dẫn đấu thầu có sự thay đổi liên tục, nhân viên thực hiện đấu thầu không được đào tạo, cập nhật kịp thời nên khi lập hồ sơ không tránh những lỗi sai, phải chỉnh sửa; nhân lực y tế của đơn vị liên tục giảm.
Thống kê 6 tháng đầu năm 2022, TTYT huyện Tân Châu có 8 người nghỉ việc, 2 bác sĩ bỏ việc, 1 người chuyển công tác và 4 nhân viên hợp đồng tự nghỉ việc, 9 đơn xin nghỉ việc chưa được giải quyết. Do số người nghỉ việc nhiều nên các nhân viên y tế còn lại phải đảm nhiệm thêm các công việc khác, phần nào bị áp lực.
“Trong thời gian chờ kết quả đấu thầu thuốc tập trung cho các cơ sở y tế công lập giai đoạn 2021-2023, đơn vị đang thực hiện hoàn thành danh mục thuốc, khảo sát giá kế hoạch trình Sở Y tế phê duyệt để lựa chọn nhà thầu mua thuốc phục vụ nhu cầu điều trị trong 6 tháng cuối năm nay”- bác sĩ Danh nói.
Để giải quyết nhanh tình trạng thiếu thuốc, VTYT phục vụ khám, chữa bệnh BHYT cho người dân, bên cạnh việc nhận hỗ trợ, ủng hộ thuốc và VTYT cấp miễn phí cho bệnh nhân khi đến khám và điều trị, TTYT huyện Bến Cầu xây dựng kế hoạch mua gói thầu thuốc trị giá 500 triệu đồng trong khi chờ kết quả đấu thầu tập trung. Tuy nhiên, đến nay kế hoạch này vẫn chưa được phê duyệt, riêng gói VTYT, đơn vị cũng đang chờ báo giá.
Đâu là nguyên nhân?
Việc mua sắm thuốc, hoá chất, vật tư y tế chủ yếu theo kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia và cấp địa phương. Hầu hết các địa phương đều chậm do gặp khó khăn, đặc biệt là công tác KCB theo BHYT, đây là thực trạng chung của cả nước.
Theo bác sĩ Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, công tác đấu thầu chậm hơn so với tiến độ bình thường do nhân lực ngành Y tế đang thiếu hụt sau thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong khi đó, số người có kinh nghiệm đã nghỉ hưu, nghỉ việc, nhân lực đấu thầu không chỉ làm công tác đấu thầu mà còn kiêm nhiều nhiệm vụ khác ngoài công việc chuyên môn, hầu hết đều bị quá tải thời điểm sau dịch.
“Khó khăn đầu tiên đó là con người. Nhưng vấn đề đau đầu nhất đó là tâm lý của những người làm công tác đấu thầu hiện nay”- bác sĩ Sơn bày tỏ. “Thời gian gần đây, thông tin về các sai phạm của cán bộ, nhân viên y tế toàn quốc đã ảnh hưởng đến tâm lý chung của người trong ngành.
Đã có nhiều trường hợp phải xử lý hình sự và liên quan tới pháp lý. Do đó, nhiều người e ngại, sợ trách nhiệm. Mặt khác, những thông tư, hướng dẫn liên quan tới đấu thầu hiện nay còn nhiều bất cập, chồng chéo nên dẫn đến việc thực hiện càng khó hơn, nếu không khéo sẽ gây hệ luỵ rất lớn”.
Bác sĩ Sơn cho biết thêm, công tác đấu thầu phải qua hơn 20 bước, thời gian từ lúc xây dựng danh mục thuốc cho tới hoàn chỉnh kéo dài từ 6-8 tháng. Sở Y tế là đơn vị thực hiện gói thầu tập trung cấp địa phương, nên ít nhiều gặp khó ở một số khâu, đặc biệt là khâu thẩm định giá VTYT. Bên cạnh đó, các nhà thầu lại đưa ra giá cung cấp cao so với giá được công bố trên mạng, do vấn đề trượt giá, thậm chí từ chối báo giá, điều này khiến nhiều đơn vị không thể đưa vào danh mục để mua sắm, ảnh hưởng tới công tác đấu thầu trong thời gian vừa qua.
Giải pháp gỡ khó
Để gỡ khó, ngành Y tế đang khẩn trương tổ chức triển khai lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc bằng các hình thức phù hợp, có thể mua một số loại thuốc với hình thức chỉ định thầu để giải quyết phần nào tình trạng thiếu thuốc và điều chuyển thuốc trong nội bộ.
Theo đó, các sơ sở trực thuộc có thể thoả thuận chuyển nhượng thuốc giữa các đơn vị với nhau, hoặc dùng thuốc thay thế trong điều kiện tạm thời. Những đơn vị nào có mặt hàng thuốc thừa so với nhu cầu hiện tại, có thể chuyển nhượng cho các đơn vị khác, đồng thời đề nghị các đơn vị chủ động tổ chức đấu thầu tại đơn vị theo quy định cho phép. Đây là các phương án cơ bản ngành đang triển khai thực hiện, tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời để khắc phục tình trạng hiện tại.
Bác sĩ Sơn nhấn mạnh, Sở Y tế đã có nhiều văn bản kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ban, ngành tìm hướng giải quyết tình trạng thiếu thuốc như hiện nay. Đã có nhiều giải pháp đưa ra, như chủ trương cử thêm người có chuyên môn hỗ trợ đấu thầu, thuê phần mềm chấm thầu để rút ngắn thời gian đấu thầu cấp địa phương; theo dõi sát kết quả trúng thầu của gói tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá để thông báo ngay cho các đơn vị mua ngay thuốc, đáp ứng kịp thời nhu cầu. Ngoài ra, Sở dự kiến tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu để hoàn thiện kiến thức cho đội ngũ làm công tác đấu thầu, thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.
“Hiện tại, Sở Y tế đã đề xuất UBND tỉnh thành lập trung tâm mua sắm tập trung cấp địa phương để mua sắm thuốc, vật tư y tế... Một số tỉnh, thành phố đã triển khai mô hình này. Tại Tây Ninh, nếu có trung tâm mua sắm tập trung, hiệu quả công tác đấu thầu sẽ nhanh hơn, giúp ngành Y tế tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phục vụ nhu cầu KCB, chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng tốt hơn”- bác sĩ Sơn nhận định.
Tâm Giang