Thiếu thuốc, trang thiết bị tác động mạnh tới sự hài lòng của người bệnh, nhân viên y tế
Chia sẻ với báo chí bên lề hội thảo Hướng dẫn triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho hay Bộ Y tế vừa có báo cáo tổng hợp gửi Chính phủ về kết quả kiểm tra, đánh giá thực trạng và tác động của vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư và chuyển dịch nhân lực ảnh hưởng tới chất lượng khám, chữa bệnh.
Theo ông Khuê, báo cáo tổng hợp của 4 đoàn kiểm tra từ tháng 8 đến nay cho thấy nhiều thách thức lớn trong hệ thống khám chữa bệnh.
PGS Khuê nhìn nhận có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, cả khách quan lẫn chủ quan. Trong các nguyên nhân chủ quan, ngoài tâm lý e ngại của lãnh đạo một số đơn vị, còn có vấn đề về năng lực, kinh nghiệm của hội đồng đấu thầu một số nơi; bộ phận lập dự trù kế hoạch chưa sát thực tế, nhu cầu, chưa tiên lượng hết được mô hình bệnh tật…
Chia sẻ với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Khoa Hùng, Giám đốc Bệnh viện trường Đại học Y dược Huế, cho hay tình trạng thiếu một số loại thuốc biệt dược, thuốc đặc trị, vật tư cao cấp đã ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, sự hài lòng của người bệnh.
Tiến sĩ Hùng cho biết, ngay từ đầu năm 2021, bệnh viện đã lập kế hoạch, dự toán cho công tác đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế năm 2022. Tuy nhiên, quy trình mua sắm mất rất nhiều thời gian.
“Sau gần 1 năm chúng tôi mới chỉ mua được 60% khối lượng các gói thầu. Phần chưa mua được, bệnh viện đã gửi cấp trên phê duyệt tiếp để mua bổ sung”, ông Hùng cho hay.
Vì thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, bệnh viện này phải chuyển không ít bệnh nhân nặng lên tuyến cao hơn như Bệnh viện Trung ương Huế (bệnh viện hạng Đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế). Thậm chí, những bệnh phổ biến như viêm gan, bệnh viện cũng phải chuyển một số bệnh nhân đi vì có lúc viện không đủ xét nghiệm chẩn đoán đánh giá mức độ bệnh trong khi bệnh này không thể không điều trị.
"Nếu có đầy đủ xét nghiệm, thuốc men, chúng tôi giữ bệnh nhân lại, đỡ phiền hà cho họ”, ông Hùng chia sẻ.
Vị giám đốc cho biết năm 2021, kết quả khảo sát đánh giá cho thấy 86% bệnh nhân và nhân viên y tế hài lòng với chất lượng bệnh viện. Tuy nhiên, năm 2022, lãnh đạo viện dự kiến điểm hài lòng này sẽ giảm.
Ông Hùng thẳng thắn nhìn nhận, khi bệnh nhân cần điều trị, xét nghiệm mà viện chưa đáp ứng được ngay, phải chuyển bệnh nhân sang viện khác, thậm chí có những bệnh nhân mắc các bệnh không thể không điều trị buộc phải mua thuốc, vật tư ở ngoài do bệnh viện không có, thì sự hài lòng của bệnh nhân không thể cao hơn hay giữ vững như những năm trước.
Theo PGS Khuê, lãnh đạo bệnh viện cần nghiêm túc quan tâm vấn đề cải tiến chất lượng khám chữa bệnh, xác định đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược, sống còn với sự phát triển. "Cải tiến chất lượng phải từ những điều nhỏ nhất và thay đổi hằng ngày, phải thấm từ giám đốc đến người bảo vệ của bệnh viện", ông Khuê khẳng định.
Sẽ xét tặng giải thưởng quốc gia về chất lượng bệnh viện
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết năm 2023, lần đầu tiên Bộ Y tế sẽ triển khai xét tặng Giải thưởng quốc gia về chất lượng bệnh viện.
Hiện Bộ Y tế đã ban hành thông tư quy định việc xét tặng giải thưởng này. Ngoài giải Vàng, Bạc... quốc gia, còn có các giải thưởng chuyên đề về an toàn người bệnh, an toàn phẫu thuật, chất lượng xét nghiệm, công tác dược, dinh dưỡng lâm sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn, phát triển nguồn nhân lực, cải tiến quy trình khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin và giải thưởng về đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Dự kiến, Giải thưởng quốc gia về chất lượng bệnh viện được tổ chức xét tặng 2 năm/lần, công bố vào dịp chào mừng Ngày Tiêu chuẩn thế giới (14/10).