Bệnh do virus Marburg có tỷ lệ tử vong cao 

BTNO - Vừa qua, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng phòng Covid-19.

Các điểm cầu trên cả nước tham gia buổi họp trực tuyến.

Hội nghị do GS.TS Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chủ trì, cùng tham gia có đại diện các đơn vị liên quan của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Theo báo cáo của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, tình hình dịch Covid-19 trên cả nước giảm thấp, mỗi ngày ghi nhận khoảng 20 trường hợp mắc và 45 ngày qua chưa có trường hợp tử vong do Covid-19, đây là thành quả nhờ vào công tác tiêm chủng ở nước ta được thực hiện tốt; về dịch bệnh sốt xuất huyết, theo đề nghị của Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh là phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ngay từ bây giờ, không để một vài tháng nữa khi vào mùa mưa dịch bùng phát mạnh mới bắt đầu phòng, chống dịch.

Cũng theo báo cáo của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, đầu năm 2023, trên thế giới đã ghi nhận ổ dịch bệnh do virus Marburg tại Cộng hòa Guinea Xích Đạo thuộc Châu Phi. Ngày 14.2.2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) triệu tập cuộc họp khẩn sau khi có ít nhất 9 người tại đây tử vong do virus Marburg. 

Bệnh do virus Marburg trước đây gọi là bệnh sốt xuất huyết do virus Marburg. Đây là căn bệnh nặng, ít gặp, có tỷ lệ tử vong cao từ 24-88%, do đó chúng ta không nên chủ quan. 

Giống như Ebola, virus Marburg bắt nguồn từ loài dơi và lây lan từ người sang người qua tiếp xúc gần (qua vết thương trên da/niêm mạc mắt, mũi, miệng…) với: máu, chất dịch cơ thể (nước tiểu, nước bọt, mồ hôi, phân, chất nôn, sữa mẹ, nước ối và tinh dịch) của người mắc/chết; vật dụng nhiễm chất dịch cơ thể của người mắc/chết do Marburg (quần áo, khăn trải giường, kim tiêm, thiết bị y tế); tinh dịch của người nam đã khỏi bệnh (qua đường miệng, hậu môn).

Thời gian ủ bệnh từ 2 ngày đến 21 ngày. Các triệu chứng bắt đầu đột ngột với sốt cao, ớn lạnh, đau cơ dữ dội và đau đầu. Vài ngày sau khi khởi phát, nhiều bệnh nhân tiêu chảy nặng, chuột rút, đau cơ, ... Các trường hợp nặng dần theo thời gian sẽ có xuất hiện vàng da nhiều, viêm tụy, sụt cân rõ rệt, suy gan, xuất huyết dữ dội… Trường hợp tử vong thường do mất máu nhiều, rơi vào sốc nhanh. Tỷ lệ tử vong có thể được cải thiện nếu bệnh nhân được chăm sóc điều trị tốt.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh Marburg. Bệnh có thể xâm nhập vào Việt Nam qua người nhập cảnh từ vùng dịch. 

Để chủ động phòng bệnh, người dân cần tránh tiếp xúc với dơi, nếu vào các hang, mỏ, nơi dơi ăn quả sinh sống (tham quan, du lịch, công tác..) cần đeo găng tay và bảo hộ phù hợp; tất cả các sản phẩm động vật (máu và thịt) phải được nấu chín kỹ trước khi sử dụng. Ngoài ra cần thường xuyên cập nhật các khuyến cáo của ngành y tế để chủ động phòng chống căn bệnh này.

Đình Tiến