‘Bác sĩ không phải là người đặc biệt nhưng nghề y là nghề đặc biệt’

Chia sẻ “Nghề y là một nghề đặc biệt; dạy học ngành y lại càng đặc thù”, Thiếu tướng, PGS.TS.BS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn khẳng định: “Với tôi được làm nghề thầy thuốc và thầy giáo là tuyệt vời nhất”.

Kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2023 Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn - nguyên Giám đốc bệnh viện Quân y 175-BQP đã chia sẻ tâm sự của ông về nghề y.

   

 BS. Nguyễn Hồng Sơn tiễn đoàn chiến sĩ mũ nồi xanh BVQY175 sang Sudan làm nhiệm vụ

Dạy học tức là đi học

- Không làm công tác quản lý nữa ông sẽ có nhiều thời gian cho những công việc khác, đặc biệt là công tác đào tạo thế hệ trẻ ngành y, ông có điều gì muốn nói về nghề giáo nghành y?

Ngoài những nét chung của nghề giáo, thú thực, với tôi được làm nghề thầy thuốc và thầy giáo là tuyệt vời nhất. Cho đến giờ phút này, tôi luôn cảm ơn cả hai chức năng nhiệm vụ đó đã làm thay đổi tôi rất nhiều và để tôi có được ngày hôm nay. 

Nghề y là một nghề đặc biệt, giảng dạy trong ngành y cũng có tính đặc thù. Nghề y là nghề thực hành, có lớp lang, thứ bậc rõ ràng, nếu bạn làm việc nghiêm túc thì chỉ cần ra trường trước một năm bạn đã có thể là thầy cho các lớp kế cận. 

“Học thầy không tầy học bạn”, “Bán tự vi sư - Nhất tự vi sư”… những triết lý đó vẫn vẹn nguyên giá trị trong nghề y.

- Nghề y là nghề không chấp nhận bất cứ một sai sót nào, vậy giảng dạy lý thuyết và thực hành ở nghề y như thế nào thưa ông?

Giảng dạy lý thuyết và giảng dạy thực hành cũng có những sự khác biệt. Cổ nhân thường nói “Lý thuyết muôn màu xám xịt, chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi” hiểu một cách đơn giản là phải thực tế, hiệu quả. Làm sao phải vận dụng thật tốt kiến thức lý thuyết vào trong thực tiễn lâm sàng… Đây mà mấu chốt quyết định sự thành công của người thầy thuốc và để giải thích cho việc nhiều sinh viên trong trường học tốt nhưng ra trường không phát huy được. 

Muốn giảng dạy tốt ta phải có kiến thức tốt, khả năng sư phạm tốt và khả năng mô phạm tốt. Tức là phải học rất nhiều trước khi dạy, phải liên tục học tập để cập nhật và hoàn thiện kiến thức. Chính vì vậy người thầy giáo cũng phải phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi để hoàn thiện chính bản thân mình hay nói một cách khác “Dạy học tức là đi học”.

 BS. Nguyễn Hồng Sơn trong chuyến công tác Bệnh xá Đảo Sinh Tồn của BVQY175

- Là một lãnh đạo, chỉ huy, một bác sĩ, còn là một người thầy, chắc hẳn ông có rất nhiều cảm xúc về tình nghĩa thầy trò?

Ngày 20/11 vừa rồi các học trò hát tặng tôi bài “Bụi Phấn”, tôi vô cùng xúc động, thực sự thấy nghẹn lòng và cay mắt. Có lẽ đời người thầy giáo chẳng có món qua nào, phần thưởng nào có giá trị hơn thế. Thực sự tôi luôn cảm ơn họ, những thế hệ học trò ấy đã cho tôi những tinh thần, động lực, nguồn cảm hứng… Chính vì vậy phải xác định trách nhiệm của mình với các thế hệ trẻ. Tôi sẽ cố gắng làm hết khả năng của mình, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các bạn có cơ hội học tập, làm việc và phát triển bản thân. 

 BS. Nguyễn Hồng Sơn cùng các chiến sĩ mũ nồi xanh BVQY175 tại Nam Sudan

Bác sĩ không phải là người đặc biệt nhưng nghề y là nghề đặc biệt 

- Tri ân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2023, xin ông có vài lời gửi đến các cán bộ trẻ, nhân viên ngành Y?

Nghề y là nghề thực hành, kết quả điều trị người bệnh là thể hiện năng lực, trình độ của bạn. Thực tiễn lâm sàng đặt ra những vấn đề cho bạn cần học tập, nghiên cứu, kết quả nghiên cứu và kiến thức nâng cao sẽ soi sáng và nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị. Không chịu học tập, nghiên cứu bạn sẽ sa vào chủ nghĩa kinh nghiệm. Nếu bạn chỉ biết thực hành, không có ngoại ngữ, suốt đời bạn chỉ cúi xuống làm. Nếu bạn có ngoại ngữ và bài báo, bạn tự tin ngẩng mặt nói với cả thế giới bạn đang làm gì và làm như thế nào. 

Khả năng thực hành-Kiến thức-Ngoại ngữ sẽ là “Thành tựu”. “Thành tựu” của bạn là gì? Đó là có nhiều bệnh nhân yêu quí, tin tưởng, biết ơn và tìm đến bạn; Đó là có nhiều đồng nghiệp tôn trọng, tham vấn bạn. Bác sĩ không phải là con người đặc biệt nhưng nghề y là nghề đặc biệt. 

Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn kiểm tra tổ công tác chống Covid-19 tại quận 8, TP.HCM

Xã hội nào cũng vậy, nghề nào cũng vậy cũng phải có Đạo đức nghề nghiệp. Đối với ngành Y, đạo đức càng quan trọng và khắt khe hơn rất nhiều. 10 lời thề của ông tổ ngành Y Hyppocrates vẫn là nền tảng của đạo đức mà ngày nay chúng ta gọi là y đức. Cùng với chuyên môn, y đức cũng là một quá trình bền bỉ, rèn luyện phấn đấu mà phẩm chất của những người thầy đi trước luôn là tấm gương ảnh hưởng sâu sắc cho các thế hệ theo sau. 

Cùng với y đức là tinh thần chấp hành nghiêm kỷ luật nghề nghiệp, hệ thống quy trình, quy chế, phác đồ, tiêu chuẩn… Không chỉ dạy nghề mà phải dạy cách làm người và làm nghề.

Bạn sinh ra có sức khỏe, có tri thức… bạn là người hạnh phúc, hãy biến giá trị đó thành giá trị sử dụng cho xã hội, cho gia đình và cho chính bản thân bạn. Đã dấn thân vào nghề y, đã làm thấy thuốc thì phải thấm cả nghĩa bóng, nghĩa đen để vinh dự và tự hào “vẫn mãi màu áo trắng”.

Bà Marie Bashir - Cựu thống đốc Bang New South Wales, Chủ tịch Quỹ Học Mãi cùng BS. Nguyễn Hồng Sơn

Huyền Linh