Thông tin mới nhất về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 vẫn sẽ giữ ổn định về cơ bản như năm 2022 và hoàn thiện để công bố và từng bước chuẩn bị triển khai phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Trong 2 ngày (7-8.9), Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với công tác thi và quản lý chất lượng khối Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) được tổ chức tại Bắc Ninh.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) Lê Mỹ Phong cho biết, trong năm học 2022-2023, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không còn phù hợp; xây dựng, hoàn thiện quy chế thi, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về thi tốt nghiệp THPT bảo đảm thực tiễn, khả thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, 2024 về cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2022.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 vẫn sẽ giữ ổn định về cơ bản như năm 2022 và hoàn thiện để công bố và từng bước chuẩn bị triển khai phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.

Đặc biệt, Bộ GD-ĐT sẽ chú trọng quán triệt ý thức trách nhiệm, yêu cầu trau dồi phẩm chất, năng lực và tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý thi các cấp. Tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức kỳ thi.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang gửi lời chúc mừng đến những kết quả và thành tích của Kỳ thi tốt nghiệp THPT và của ngành Giáo dục đã đạt được trong năm vừa qua, đồng thời nhấn mạnh những nguy cơ hiện hữu liên quan đến an ninh, an toàn của công tác thi và quản lý chất lượng trong thời gian tới.

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) Lê Mỹ Phong báo cáo tại hội nghị.

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) Lê Mỹ Phong báo cáo tại hội nghị.

Thứ trưởng khẳng định, Bộ Công an sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ của Bộ và công an các địa phương đồng hành cùng ngành Giáo dục, Bộ GD-ĐT phối hợp, hỗ trợ theo chức năng nhiệm vụ, cùng có những đề xuất giải pháp để khắc phục những hạn chế thiếu sót, phòng ngừa vi phạm. Bộ Công an sẽ chủ động đánh giá toàn diện các nguy cơ tội phạm công nghệ cao và triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh an toàn, ngăn chặn có hiệu quả và triệu để loại tội phạm này. Đồng thời, tiếp tục phối hợp để kịp thời tham mưu, trao đổi với Bộ GD-ĐT về những nguy cơ đe dọa an ninh, an toàn của ngành giáo dục nói chung, và về thi, quản lý chất lượng nói riêng, nhằm củng cố nền giáo dục vững mạnh, nhân bản, phát huy cao nhất phẩm chất, năng lực của người học.

Thông tin thêm về kỳ thi sắp tới, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm 2023 và năm 2024, quan điểm của Bộ GD-ĐT và hội nghị thống nhất giữ ổn định mô hình, cách thức tổ chức để phù hợp chương trình GDPT 2006 đang triển khai những năm cuối cùng. Song song, kỳ thi sẽ tiếp tục phát huy và tiếp tục hoàn thiện thêm yếu tố ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Đồng thời, rà soát, xem xét nếu cần thiết sẽ ban hành quy chế thi mới để khắc phục một số điểm chưa thật thuận tiện.

Về những thay đổi của kỳ thi từ 2025, Bộ trưởng cho biết một vài phương án đã được dự kiến, lấy ý kiến chuyên gia, tuy nhiên, trước khi lấy ý kiến rộng hơn cần cân nhắc đến nhiều phương diện. Điều quan trọng nhất là thực hiện được nguyên tắc kế thừa những ưu điểm của kỳ thi hiện nay, và điều chỉnh để phù hợp với đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Chương trình này tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng, do đó, nên kỳ thi phải gia tăng tính chất là một kỳ thi đánh giá năng lực. Nguyên lý này đặt ra những thách thức, khó khăn trong triển khai thực hiện, do đó, cần thêm thời gian để tính toán kỹ lưỡng phương án thi từ năm 2025.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề cập đến hai phương diện cần đẩy mạnh hơn nữa, đó là tính phân cấp, trách nhiệm trong chủ động tuyển sinh của trường đại học và ứng dụng công nghệ. Theo VOV