Phòng, chống bạo lực học đường- Cần sự chung tay của toàn xã hội 

BTN - “Phòng ngừa hơn là chống” là quan điểm trong phòng, chống bạo lực học đường của ngành Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, đầu năm học là thời điểm quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục, xây dựng trường học thân thiện... nhằm ngăn chặn, phòng ngừa các nguy cơ bạo lực học đường.

Xây dựng trường học thân thiện là yếu tố quan trọng để phòng, chống bạo lực học đường.

Tình trạng bạo lực học đường vẫn còn

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, từ đầu năm 2022 đến nay, tình trạng bạo lực trong học sinh, sinh viên, các hình thức bạo lực khác trong trường học không có diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều trường hợp bạo lực học đường trong và ngoài nhà trường gây ảnh hưởng đến tâm lý, việc học tập của học sinh.

Điển hình, vụ việc một giáo viên Trường THCS Phước Đông phụ trách giảng dạy bộ môn Tin học tát học sinh trong lớp; vụ ông Nguyễn Văn Trác- nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THCS Long Khánh, huyện Bến Cầu sàm sỡ học sinh tại phòng làm việc; vụ nhóm học sinh Trường THCS thị trấn Châu Thành (huyện Châu Thành) đánh nhau với một số học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Linh (xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh), dẫn đến chết người.

Theo đại diện Sở GD&ĐT, các vụ việc nêu trên mang tính chất đơn lẻ, không đại diện cho tình hình chung của tỉnh. Tuy nhiên, qua các vụ việc phản ánh phần nào về tình trạng bạo lực học đường hiện nay vẫn còn là vấn đề nhức nhối, gây ra nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất của học sinh; cần thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này.

Theo đại diện Sở GD&ĐT, trong công tác kiểm soát, quản lý vấn nạn bạo lực học đường cần phải nhấn mạnh ở công tác phòng ngừa, ngăn chặn; việc xử lý vừa mang tính răn đe vừa mang tính giáo dục, nhân văn chú trọng đến sự phát triển ở nạn nhân bị bạo lực học đường cũng như chủ thể tạo ra bạo lực học đường.

Trong năm học mới, Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị trường học phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực học đường. Trang bị cho giáo viên- nhất là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên phụ trách tư vấn tâm lý học đường các kiến thức về khả năng phát hiện vấn đề của học sinh, tư vấn tâm lý cho học sinh, hướng dẫn học sinh xử lý các tình huống phát sinh trong sinh hoạt học đường; chỉ đạo lãnh đạo nhà trường phối hợp với các đoàn thể trong trường, nhất là tổ chức Đoàn, Đội thực hiện tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, các kỹ năng xử lý những xung đột phát sinh trong đời sống học đường, tổ chức sinh hoạt tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường bằng các buổi nói chuyện, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hoạt cảnh có nội dung bạo lực học đường.

Vai trò của nhà trường trong phòng, chống bạo lực học đường

Thầy Lê Minh Trung- Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh cho biết, trong nhiều năm gần đây, trường chưa xảy ra trường hợp bạo lực học đường. Đây là thành quả do sự nỗ lực phòng ngừa bằng nhiều biện pháp của Ban giám hiệu và toàn thể giáo viên của trường.

Chia sẻ về giải pháp phòng ngừa, thầy Trung cho biết, với đặc điểm là trường học dành cho các em học sinh dân tộc, nhà trường luôn đặt sự hoà hợp dân tộc, sự gắn kết của học sinh làm tiêu chí quản lý, hoạt động. Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, sinh hoạt tập thể để các em làm quen với phong tục tập quán, lễ hội, tôn giáo của mỗi dân tộc. Qua đó, các em hiểu và tôn trọng về sự khác biệt dân tộc, từ đó tạo dựng được mối quan hệ tình cảm tốt đẹp giữa học sinh.

Nhà trường đã xây dựng, triển khai thực hiện nhiều mô hình ngăn chặn bạo lực học đường, như: xây dựng trường học thân thiện; thành lập đội xung kích gồm giáo viên và học sinh với nhiệm vụ nhắc nhở các em thực hiện quy định của trường, đồng thời kịp thời phát hiện mâu thuẫn giữa học sinh; tạo nhóm Zalo giáo viên quản lý, theo dõi tình hình học tập của học sinh; xây dựng tổ tâm lý học đường để tư vấn cho học sinh khi các em có nhu cầu chia sẻ khó khăn về tâm lý, tinh thần...

Ngoài ra, nhà trường cũng tăng cường công tác quản lý học sinh bằng hệ thống camera an ninh, theo dõi việc học tập, sinh hoạt ở ký túc xá của các em. Đồng thời phối hợp với Công an phường, chính quyền địa phương thực hiện công tác an ninh trật tự trước cổng trường, tạo môi trường học tập lành mạnh, an toàn cho các em.

Phòng, chống bạo lực học đường cần sự chung tay của toàn xã hội

Theo cô Huỳnh Thị Tuyết Loan- Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP. Tây Ninh), tình trạng bạo lực học đường không chỉ xảy ra trong và ngoài trường học mà còn xảy ra trên mạng xã hội. Trên thực tế, nhiều mâu thuẫn xảy ra trên mạng xã hội dẫn tới nguy cơ bạo lực học đường; bắt nạt trên mạng xã hội còn là hình thức gây ảnh hưởng về mặt tâm lý, tinh thần của học sinh.

Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bạo lực học đường tại trường học, nhà trường chỉ đạo các giáo viên tăng cường vai trò của Đoàn Thanh niên trong việc thực hiện tương tác cùng học sinh trên mạng xã hội để theo dõi, quan sát, hiểu được tâm tư tình cảm, nhu cầu giao tiếp trên mạng xã hội của các em; kịp thời phát hiện những mâu thuẫn xảy ra giữa học sinh để ngăn chặn và hoà giải. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn kiến thức về sử dụng internet, mạng xã hội hiệu quả, kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn với nội dung phòng, chống bạo lực nói chung, bạo lực học đường nói riêng cho các em.

Theo cô Loan, hầu hết học sinh có hành vi bạo lực học đường có hoàn cảnh khó khăn hoặc bị tổn thương về gia đình như: ba mẹ ly hôn, chịu ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình, bị áp lực trong học tập dẫn đến trầm cảm...; đơn giản hơn, đây chỉ là đặc điểm tâm lý của lứa tuổi đang phát triển, thích thể hiện, muốn được công nhận. Hiểu được vấn đề này, nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực.

Trong đó, vai trò của giáo viên rất quan trọng. Giáo dục không chỉ là dạy học, mà còn là giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử cho học sinh. Người giáo viên trong thời đại mới cần hiểu về tâm lý, giới tính học sinh để tiếp cận, hướng dẫn và lắng nghe các em nhiều hơn, tạo sự gắn kết giữa giáo viên, nhà trường và học sinh. Tuy nhiên, đối với các trường hợp bạo lực học đường nghiêm trọng, nhà trường cũng áp dụng biện pháp kỷ luật nhằm răn đe, giáo dục, bảo vệ sự an toàn cho học sinh trong trường học.

Thời gian qua, trong trường học không xảy ra bạo lực học đường, trên thực tế, tình trạng này vẫn xảy ra bên ngoài nhà trường. Mặc dù nhà trường đã phối hợp với Công an, chính quyền địa phương thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, giữ an ninh trật tự trước cổng trường nhưng việc các em đánh nhau bên ngoài chưa thể quản lý được.

Để giải quyết bạo lực học đường, cần sự vào cuộc từ nhiều phía, quan trọng nhất là sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội. Trong đó, gia đình là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội. Gia đình là nơi đầu tiên và cũng là nơi cuối cùng thực hiện chức năng về tình cảm và giáo dục đạo đức, lối sống cho con người. Trong cuộc sống hằng ngày, cha mẹ cần phải quan tâm đến sự thay đổi tâm sinh lý của con cái và nhận ra những biểu hiện tâm lý bất thường. Bên cạnh đó, cha mẹ phải tạo lập cho con cái cuộc sống hạnh phúc, bình đẳng, không bạo lực.

Ngọc Bích