Nhiều ý kiến xoay quanh việc tăng học phí

​Chiều 23.6, Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị phản biện đối với 2 dự thảo nghị quyết dự kiến trình tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khoá XVII sắp tới.
Các đại biểu tham dự hội nghị phản biện xã hội Đó là các dự thảo Nghị quyết về “Quy định mức thu, chế độ thu, nộp quản lý, sử dụng học phí và các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các trường mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương” và “Sửa đổi, bổ sung mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng một số khoản phí, lệ phí đã được quy định tại Nghị quyết số 17/2016/NQ-HĐND ngày 5.10.2016 của HĐND tỉnh Hải Dương”. Tại hội nghị đã có 8 lượt ý kiến góp ý vào 2 dự thảo, chủ yếu về vấn đề học phí. Đa số các ý kiến cho rằng phương án mức thu học phí mà Sở Tài chính đề xuất cho năm học 2022-2023; mức thu học phí năm học 2023-2024, lộ trình đến năm học 2025-2026 tăng bình quân khoảng 7%/năm là đúng với Nghị quyết 81/2021/NĐ-CP ngày 27.8.2021 của Chính phủ. Tuy nhiên, việc dự kiến mức đóng học phí từ năm học 2022-2023 tăng gấp đôi so với năm học trước cần xem xét thêm. Hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 đã tác động tới mọi mặt đời sống, Chính phủ cần điều chỉnh lại khung thu học phí cho phù hợp với đời sống nhân dân. Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên mức học phí như đang áp dụng, lùi thời gian tăng học phí hoặc tăng chậm hơn… Có đại biểu nêu ý kiến, việc tăng học phí là đúng đắn vì sẽ hạn chế được nguồn ngân sách chi cho giáo dục, đồng thời tăng chất lượng giáo dục, từng bước tiến tới thực hiện tự chủ ở các cơ sở giáo dục. Việc đóng góp từ 300.000-400.000 đồng/học sinh/tháng không phải vấn đề lớn với các gia đình, mà nhân dân quan tâm nhất là các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục. Nghị quyết cần nêu cụ thể các khoản thu ngoài danh mục Nhà nước quy định, thống nhất khung mức thu, bảo đảm sự thống nhất. Nếu để các trường tự thu dễ dẫn tới lạm thu, tiêu cực… Đa số các ý kiến cho rằng quy định mức thu học phí học trực tuyến ngang bằng với học trực tiếp không hợp lý. Các đại biểu dẫn chứng Hà Nội cũng chỉ thu học phí trực tuyến bằng 75% học trực tiếp… Phát biểu kết luận hội nghị, lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị các cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện về thể thức, nội dung 2 dự thảo theo hướng rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện. Tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, đơn vị, chuyên gia, đặc biệt là các đối tượng chịu tác động của chính sách. Phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng các phương án khoản thu, lệ phí bảo đảm tính khả thi…  
Dự kiến mức thu học phí từ năm học 2022-2023 do Sở Tài chính đề xuất: từ 90.000-300.000 đồng/học sinh/tháng (đối với bậc mầm non); từ 55.000-300.000 đồng/học sinh/tháng (đối với bậc tiểu học); từ 60.000-300.000 đồng/học sinh/tháng (đối với bậc THCS); từ 100.000-300.000 đồng/học sinh/tháng (đối với bậc THPT, Giáo dục thường xuyên chương trình THPT) và từ 25.000 đồng-35.000 đồng/học sinh/tháng (đối với cơ sở giáo dục hướng nghiệp).
TIẾN MẠNH