Đừng để ban đại diện cha mẹ học sinh thành “ban thu tiền”
Vai trò quản lý, sự vô tư, khách quan của nhà trường và việc thanh tra, kiểm tra là giải pháp quan trọng để các Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động hiệu quả, hạn chế tình trạng lạm thu.
Tặng sách cho các đơn vị bảo trợ, cơ sở giáo dục
Sở Giáo dục và Đào tạo tập huấn công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024
Sở Giáo dục và Đào tạo: Kiểm tra hiện trạng ký túc xá Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh
Cuộc họp phụ huynh học sinh tại một trường ở TP Hải Dương
Thời gian qua, không ít Ban đại diện (BĐD) cha mẹ học sinh hoạt động chưa đúng vai trò, dẫn đến tình trạng lạm thu, thậm chí được ví như "ban thu tiền".
Chưa đúng vai trò
Cô Phạm Thị Xoan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Thanh (Tứ Kỳ) cho biết BĐD cha mẹ học sinh đóng vai trò là cầu nối quan trọng để giáo viên, nhà trường có thể sát sao hơn việc học tập của học sinh và kịp thời phối hợp có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Nhiều phụ huynh đồng tình lập BĐD là cần thiết, nhưng một số ban hoạt động chưa đúng với vai trò của mình, gây bức xúc trong phụ huynh. Anh V.V.Đ. có con đang học một trường tiểu học ở TP Hải Dương cho biết: "BĐD vẫn đề xuất nhiều khoản thu tự nguyện nhưng không thể từ chối". Không ít phụ huynh ấm ức khi phải đóng thêm những khoản thu chưa hợp lý, chưa được sự thống nhất cao như tiền ủng hộ cơ sở vật chất của trường. Tự nguyện nhưng nhiều khoản thu phụ huynh bị động và chỉ được thông tin mang tính chất thông báo.
Một phụ huynh ở TP Hải Dương bất bình cho biết BĐD của lớp con họ theo học thông báo lắp đặt 1 chiếc bàn để đồ trên lớp. Theo phụ huynh này, việc lắp đặt chiếc bàn không cần thiết, dù chưa được sự thống nhất cao nhưng bàn vẫn được mang đến trường. “Ngoài học phí, các khoản thu đầu năm học lên đến hàng triệu đồng. Với những gia đình có điều kiện thì không sao, nhưng gia đình tôi thu nhập thấp, 3 con đang theo học, rất khó khăn. Tôi không dám lên tiếng vì sợ ảnh hưởng đến việc học của con cũng như ngại với phụ huynh khác và nhà trường”, phụ huynh này bày tỏ.
Một số khoản tiền đóng góp đầu năm trường gợi ý để BĐD thu. Tiền học buổi 2 trong ngày cũng "nhờ" BĐD thu. Phụ huynh đã đóng góp tiền mua điều hòa, rèm cửa, song lại phải tự lắp đặt hoặc thuê người lắp. Nhà trường đang lợi dụng phụ huynh làm giúp việc cho trường?
Siết chặt quản lý
Anh Trần Văn Trải, Trưởng BĐD của một trường ở Kinh Môn cho biết BĐD chỉ thu tiền quỹ phụ huynh lớp và trích về quỹ phụ huynh trường, ngoài ra không thu bất cứ khoản nào khác. Số tiền này sẽ được trích để chi cho việc khen thưởng học sinh có thành tích cao trong học tập, chi mua tài liệu phục vụ thi cử, tặng quà giáo viên dịp lễ, Tết… "Đây là tổ chức can thiệp vào môi trường giáo dục nên tôi nghĩ cần có sự minh bạch trong thu, chi và phải có sự kiểm soát chặt chẽ thông qua nhà trường cũng như các cấp quản lý”, anh Trải nói.
Nhiều phụ huynh cũng cho rằng BĐD không nên tham gia vào việc đề xuất đóng tiền cụ thể là bao nhiêu với các khoản thu mà chỉ nên tham khảo ý kiến, nắm bắt dư luận tại các cuộc họp phụ huynh về các khoản thu. Việc thu, chi đều phải công khai kịp thời trên nhóm của lớp để tránh là “ban thu tiền”, là nơi gánh trách nhiệm thay nhà trường.
Anh Vũ Văn Phong ở TP Hải Dương cũng cho rằng các thành viên trong BĐD nên lắng nghe, chia sẻ, nắm bắt tâm tư cũng như điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Từ đó có tiếng nói tới nhà trường để việc thu góp, ủng hộ hợp lý. “Nên để cho các phụ huynh bàn bạc và tự nguyện đóng góp theo khả năng của từng gia đình”, anh Phong nói.
Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện đều có văn bản chỉ đạo các trường phổ biến và thực hiện nghiêm các quy định tại Thông tư 55/TT-BGDĐT.
Đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hải Dương cho biết phòng đã chỉ đạo, tất cả cuộc họp phụ huynh phải triển khai đầy đủ văn bản quy định hoạt động của BĐD cha mẹ học sinh. Trong mỗi cuộc họp đại diện phụ huynh các lớp, Ban giám hiệu nhà trường phải có mặt đầy đủ để nếu BĐD đề xuất các khoản thu trái với quy định thì xử lý ngay... Phòng cũng đã chỉ đạo khoản liên quan đến thu góp đều phải công khai bằng biên bản xác nhận của nhà trường. Qua đó, phụ huynh sẽ biết khoản gì phải thực hiện theo chỉ đạo chung của nhà trường, còn khoản nào phát sinh từ phía phụ huynh... Các trường nếu cần huy động nguồn lực từ nhân dân, phụ huynh hoặc các Mạnh Thường Quân trong khi nguồn ngân sách hạn hẹp thì vận động tài trợ theo quy định chứ BĐD không có vai trò đứng ra để kêu gọi thu góp từ người khác. Còn quỹ lớp thì phải thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện và công khai, dân chủ. Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng không thể can thiệp trực tiếp vào hoạt động của BĐD cha mẹ học sinh. Ngoài chỉ đạo các trường thực hiện theo quy định thì lồng ghép trong các cuộc thanh tra, kiểm tra sẽ kiểm tra công tác phối hợp giữa nhà trường và BĐD, nếu phát hiện vi phạm sẽ đề xuất xử lý.
Để BĐD cha mẹ học sinh hoạt động hiệu quả thì vai trò quản lý, sự vô tư, khách quan của nhà trường và việc thanh tra, kiểm tra là giải pháp quan trọng, đồng thời phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phòng Giáo dục và Đào tạo hay Sở Giáo dục và Đào tạo nên thiết lập đường dây nóng để phụ huynh phản ánh, kịp thời có biện pháp xử lý.
HOÀNG HÀ
Theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22.11.2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh thì ban này không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện, các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện; chỉ được thu kinh phí hoạt động của ban. |