Vợ Việt rủ chồng Đức về Đà Lạt sống, lan tỏa cách làm nông nghiệp xanh
Thay đổi
Tranh thủ lúc trời nắng, chị Võ Kiều Anh (SN 1968, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) cắt những cây trúc thành nhiều đoạn nhỏ. Chị cắm lại hàng rào bao quanh vườn hoa cánh bướm rực rỡ sắc màu. Những ngày qua, chị nỗ lực biến khu vườn của mình thành không gian ngập tràn hoa lá, rau củ thuận tự nhiên.
Nửa đời người làm việc trong giới showbiz Việt, khi quyết định rời bỏ TP.HCM lên khu đất cách xa TP.Đà Lạt sinh sống, chị gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, cuộc sống gần gũi thiên nhiên khiến chị thoải mái, lấy lại năng lượng.
Chị kể: “Trước đây tôi rất ham vui, sợ cô đơn. Khi còn ở TP.HCM, ngoài giờ làm, chăm sóc gia đình, tôi hầu như đi chơi, tụ tập cùng bạn bè. Tôi không thích ở một mình và cũng không bao giờ có ý định về vùng quê sinh sống”.
“Nhưng khi đại dịch ập đến, tôi nhận ra nhiều điều. Không như trước đó, suốt 6 tháng dịch, tôi ở nhà một mình nhưng vẫn thấy rất thoải mái. Rồi tôi thấy, người dân ở quê sống vui vẻ, thoải mái mà không phải đau đầu, áp lực cơm áo gạo tiền…Thế là tôi có ý định rời TP.HCM về quê sống”.
Chị đem ý định này bàn với chồng - anh Frank Rudolf Lojewski - đang là bác sĩ tại Đức và được anh đồng ý. Thậm chí, anh Frank còn tỏ ra hứng khởi và quyết định sẽ nghỉ hưu, rời Đức, nhập tịch Việt Nam để cùng chị tận hưởng cuộc sống gần gũi thiên nhiên vào năm sau.
Sẵn có tình yêu rất lớn với TP.Đà Lạt, chị Kiều Anh quyết định chọn khu đất rộng khoảng 3000m2 cách trung tâm thành phố 25km làm nơi xây tổ ấm. Tại đây, chị dựng một ngôi nhà bằng gỗ thông giữa bao la cây cỏ.
Vốn yêu thiên nhiên, chị không đốn hạ bất cứ cây rừng nào mà chỉ cố gắng trồng thêm. Chị phát quang bụi rậm, cỏ dại để trồng các loài hoa yêu thích như: Đồng tiền, hoa hồng, cánh bướm, cúc… Những khu vực không có cây lớn, trống trải, chị xới đất trồng rau củ, hoa trái hữu cơ.
Đặc biệt, chị trồng một thảm hoa cánh bướm nhiều màu sắc xung quanh nhà. Trông từ xa, căn nhà bằng gỗ thông màu nâu đỏ nổi bật giữa tấm thảm rực rỡ sắc màu của loài hoa tượng trưng cho tình yêu trọn vẹn, ngọt ngào.
Chị tâm sự: “Những ngày đầu ở đây, tôi có cảm giác sợ. Bởi, tôi vốn sợ bóng tối, sợ những nỗi sợ vô hình. Khu vực này xa xa mới có một mái nhà càng khiến tôi lo lắng hơn. Nhưng sau khi ở một thời gian, tôi thấy cuộc sống một mình không có gì đáng sợ cả".
"Đến nay, tôi không còn sợ sự rộng lớn của khu vườn rậm rạp cây cỏ, thiếu bóng người nữa. Tôi đã dám đi một mình vào vườn. Thay vì cảm giác sợ, bây giờ tôi cảm thấy yêu từng cái cây, ngọn cỏ trong khu vườn của mình”, chị nói thêm.
Lan tỏa cách sống xanh
Lần đầu rời bỏ phố thị để trở thành nông dân, chị Kiều Anh gặp không ít khó khăn. Làm việc ngoài trời nhiều giờ liền khiến chị đen đúa, gầy nhom. Tuy vậy, chị lại cảm thấy tươi vui, tinh thần lúc nào cũng sảng khoái, yêu đời.
Mỗi sáng, sau khi tự chuẩn bị bữa ăn cho mình, chị ra vườn xới đất, trồng hoa, chăm rau củ. Những ngày này, chị cố gắng chăm sóc, trồng thêm rau củ, cây trái, không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.
Chị nói: “Chồng tôi rất yêu thiên nhiên. Ở Đức, anh ấy cũng trồng cây trái thuận tự nhiên và thường đem tặng chúng cho hàng xóm. Mục đích của anh là lan tỏa cách làm nông nghiệp không hóa chất.
Là bác sĩ, anh chứng kiến và hiểu rất rõ tác hại của việc tiêu thụ những thực phẩm được trồng, chăm sóc bằng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật”.
Thế nên, trong những lần về Việt Nam cùng chị xây dựng khu vườn ở Đà Lạt, anh Frank hạn chế tối đa sử dụng vật dụng từ nhựa, vật liệu công nghệ cao. Anh cũng cố gắng hướng dẫn chị trồng rau, hoa, trái thuận tự nhiên.
Tình yêu thiên nhiên mãnh liệt của anh Frank ảnh hưởng mạnh mẽ đến chị Kiều Anh. Ngay sau khi chồng về nước, chị lên kế hoạch phủ xanh những chỗ trống trên khu đất của mình bằng nhiều loại rau củ, trái cây.
Chị để chúng sinh trưởng tự nhiên và chỉ chăm bón bằng các chế phẩm tự nhiên mà chị học được từ người chồng ngoại quốc. Bằng cách này, rau củ, hoa trái trong vườn chị Anh phát triển chậm hơn so với việc trồng bằng phân hóa học.
Tuy nhiên, chất lượng của chúng lại khiến chị rất hài lòng. Sau những lần thu hoạch rau củ, chị cố gắng mang đến tặng từng hộ gia đình xung quanh.
Mục đích của việc này là để người sử dụng cảm nhận được sự khác biệt giữa việc trồng cây trái sạch và trồng bằng phân hóa học, thuốc trừ sâu... Trong những lần tặng rau củ như vậy, chị cũng cố gắng giải thích, khuyên các hộ dân xung quanh không dùng hóa chất trong việc trồng hoa màu, cây trái.
Chị chia sẻ: “Sang năm, khi chồng tôi về Việt Nam sinh sống, chúng tôi sẽ vẫn cùng nhau làm vườn, sống gần gũi với thiên nhiên. Chúng tôi đã quyết sẽ sống ở đây cho đến khi không còn tồn tại nên sẽ cố gắng góp phần bảo vệ thiên nhiên nơi mình sống”.
“Thông qua cách sống gần gũi tự nhiên, chúng tôi hy vọng lan tỏa thông điệp không dùng phân hóa học trong trồng trọt để giữ môi trường sạch cho thế hệ mai sau. Chúng tôi cũng muốn lan tỏa việc sống xanh, nông nghiệp xanh, không phân hóa học với người dân bản địa”, chị nói thêm.