Vợ chồng gần 50 năm gác niềm vui đón Tết, giữ hè phố TP.HCM sạch đẹp
Tết trên hè phố
Ngày cuối năm, thành phố lên đèn thật sớm. Khi mọi nhà quây quần bên nhau, hàng quán chật kín khách, ông Tống Văn Thơm (75 tuổi, TP.HCM) và vợ Nguyễn Ngọc Đào (68 tuổi) lại kéo xe ba gác đi thu gom rác sinh hoạt.
Vợ chồng ông làm công việc này từ năm 1976. Suốt từ đó đến nay, ông bà gắn bó với nghề và đón gần 50 cái Tết trên hè phố, hẻm nhỏ. Với ông bà, không khí Tết chỉ thực sự tồn tại trên hè phố. Bởi tại đây, cả hai mới được đắm chìm trong không khí người dân TP.HCM đón Tết. Vợ chồng ông cũng bớt cô quạnh khi phải lủi thủi gom rác trong đêm một mình.
Mỗi năm, từ Tết dương lịch, ông bà đã phải chuẩn bị tinh thần đón Tết xa nhà. Bởi, từ thời điểm này, người dân bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, ăn uống, vui chơi khiến rác sinh hoạt tăng đột biến.
Ông Thơm chia sẻ: “Nghề khác, Tết có thể nghỉ nhưng thu gom rác sinh hoạt thì không. Thậm chí, ngày Tết, chúng tôi phải làm việc gấp 3 lần ngày thường. Bởi thời điểm này, người dân chỉ ở nhà ăn Tết nên rác nhiều hơn”.
Vào những ngày này, ông bà chia nhau đi gom rác từng hẻm nhỏ. Vì không đủ sức khỏe, bà Đào đảm nhận nhiệm vụ gom rác trong hẻm rồi dùng xe nhỏ đẩy ra đường lớn. Ông Thơm sẽ phân loại, đưa rác lên thùng xe ba gác. Khi xe đầy, ông giao cho một người phụ việc chở đến xe ép rác đổ.
Ngày Tết, rác thải quá nhiều, dù chỉ nhận thu gom rác ở 3 phường của Quận 5 (TP.HCM) và tất bật xuyên đêm, ông bà vẫn không kịp về nhà đón giao thừa.
Bà Đào chia sẻ: “Tôi đi làm vào ban đêm và mấy chục năm qua chưa bao giờ biết đón giao thừa ở nhà. Đêm trước Tết, đi làm thấy người ta đốt pháo, đón giao thừa, quây quần bên gia đình, tôi tủi thân lắm cứ vừa đẩy xe vừa khóc.
Không chỉ giao thừa, mấy chục năm nay, tôi cũng chưa bao giờ được về chúc Tết ba mẹ vào ngày đầu năm mới. Tết năm nào cũng vậy, sau khi đón giao thừa trên đường phố, chúng tôi trở về trong căn nhà vắng lặng, không hoa trái, không khí Tết”.
Buồn rồi lại vui
Phải làm việc xuyên Tết, ông bà Thơm hầu như không sắm sửa, trang hoàng nhà cửa. Cả hai đã quen với không khí đón xuân trên đường nên tự an ủi bằng việc hòa mình vào niềm vui của người khác.
Ông bà tự hào khi có thể được ngắm nhìn, chiêm nghiệm cách đón Tết của những hộ gia đình, con hẻm nơi mình đến gom rác. Nơi đó, ông bà bắt gặp cảnh tượng xúc động của những gia đình nghèo cùng chia nhau gói kẹo, đòn bánh tét, nồi thịt kho…
Ông kể: “Trước đây, Tết ở TP.HCM vui lắm, không khí rất thân tình. Trong những con hẻm nhỏ, khu ổ chuột, người ta chia nhau từng miếng bánh, miếng thịt kho, củ dưa hành…
Tối 28 Tết, người ta bắt đầu dựng một cái nồi lớn trước nhà để nấu bánh tét. Cả nhà quây quần bên nồi bánh, nói chuyện rôm rả, cười đùa... Đến giao thừa, tiếng pháo rền vang, trẻ em đi chúc Tết, nhận lì xì…”.
Dù phải làm việc xuyên Tết, vợ chồng ông Thơm không hề lẻ loi. Trong những đêm lặng lẽ gom rác trên hè phố, ông bà nhận được nhiều sự chia sẻ từ người đi đường, mạnh thường quân. Ông bà vẫn có bánh Tết, mứt Tết, hoa Tết… từ mọi người.
Thậm chí có gia đình thấy ông bà gom rác vào dịp Tết còn cho thức ăn, quà bánh, gọi vào nhà chung vui… Tuy nhiên, vì công việc quá nhiều, cả hai chỉ cúi đầu cám ơn, gửi lời chúc năm mới rồi tiếp tục với công việc của mình.
Dẫu vậy, đi làm dịp Tết, ông bà cũng nhiều lần gặp chuyện buồn. Ngoài việc không thể đón Tết bên người thân, ông bà còn gặp cảnh người dân xả rác bừa bãi, khiến vợ chồng ông thu gom rất mệt mỏi.
Ông Thơm chia sẻ: “Làm nghề này cực lắm. Phải thật yêu nghề mới làm được. Gần 50 năm qua, chúng tôi luôn phải chịu những buồn tủi như thế.
Dịp Tết cũng vậy, khi tiếng pháo hoa rền vang, sáng một góc trời, chúng tôi chỉ có thể tạm dừng tay, nhìn lên trời, ước những điều tốt đẹp. Vào những dịp như vậy, chúng tôi có buồn nhưng rồi lại vui ngay. Bởi, chúng tôi biết cái nghề của mình rất đẹp. Chúng tôi gác lại niềm vui của mình để giữ gìn đường phố sạch sẽ, gọn gàng cho nhiều người khác. Đó là niềm vui, niềm an ủi của vợ chồng tôi”.