Tự học tiếng Anh, người đàn ông ở Thanh Hóa đưa 50 sản phẩm mỹ nghệ sang Mỹ
Tự học tiếng Anh tìm đối tác nước ngoài
Về tới xã Nga An, huyện Nga Sơn hỏi anh Phạm Minh Tôn, giám đốc công ty chuyên về sản xuất, chế biến cói ai cũng biết. Họ biết tới anh là một người chỉ mới học hết lớp 12, từng đi làm thuê ở khắp nơi, nhưng nay lại là người “nổi tiếng” vì đã đưa được hơn 50 sản phẩm có nguồn gốc “made in Thanh Hóa” có mặt tại nhiều chuỗi siêu thị trên nước Mỹ.
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình, anh Tôn bảo, nhìn vào “cơ ngơi” này ai cũng nghĩ mình phải là người học rất giỏi, phải học ở các trường kinh tế, ngoại thương. Thực tế anh cũng chỉ mới học hết lớp 12.
Anh Tôn chia sẻ, năm 1998 học xong cấp 3 anh ra Hà Nội làm thuê. Thời điểm ấy Tôn đã có suy nghĩ, nếu cứ làm thuê mãi thì sẽ chẳng bao giờ tồn tại được đây. Bao nhiêu câu hỏi cứ dồn dập trong đầu anh rằng phải làm cái này, làm cái kia. Mọi ý nghĩ ấy cũng bị dập tắt bởi xuất phát điểm của anh chỉ ở con số không.
“Một buổi chiều, tôi lững thững ra Hồ Gươm thấy nhiều người nước ngoài nói chuyện giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh, tôi nghĩ mình phải biết tiếng Anh thì mới có thể có lối đi riêng. Tôi bắt đầu đăng ký lớp học tiếng Anh ở trung tâm. Sau mỗi buổi học, tôi lại đi bán sách dạo ở ngoài bờ hồ, mục đích chỉ để được gặp và giao tiếp với người nước ngoài”, anh Tôn kể.
Sau một năm học tiếng Anh, anh Tôn quay về Ninh Bình làm thuê cho một công ty xuất khẩu các đồ thủ công mỹ nghệ. Thời điểm này anh được giao mảng phát triển thị trường, tìm đối tác bên nước ngoài.
“Nhiệm vụ mới được giao như một phép thử đối với tôi. Vốn tiếng Anh của tôi chưa thành thạo, mà muốn tìm được khách hàng nước ngoài cũng phải cần có kỹ năng ngoại thương, kỹ năng này chỉ những người học ngoại thương mới hiểu. Tôi lại tiếp tục ngày đêm học tiếng Anh trên mạng, kết hợp với học kỹ năng ngoại thương. Phải mất một năm sau tôi mới có thể liên hệ được với đối tác”, anh Tôn chia sẻ.
Đưa ‘made in Thanh Hóa’ sang thị trường Mỹ
Sau nhiều năm làm thuê cho các công ty, năm 2009 khi đã có kinh nghiệm và khát vọng khởi nghiệp, anh quyết định thành lập công ty riêng với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Anh muốn tìm các đấu mối để xuất khẩu trực tiếp sản phẩm đi nước ngoài, không bị động, lệ thuộc vào các công ty trung gian trong nước.
Khi mới thành lập, thị trường mà anh muốn tiếp cận đầu tiên là Trung Quốc. Anh đã quyết định vay mượn 500 triệu đồng cho chuyến đi nhưng không đạt kết quả.
“Đúc kết lại sau một chuyến đi tôi thấy không hiệu quả, bởi bản thân mình bị phụ thuộc quá nhiều vào người phiên dịch và các khâu trung gian, môi giới. Tôi quyết định tìm tới các nước châu Âu vì ở đây họ giao tiếp tiếng Anh. Và tôi đã đến trực tiếp làm việc với đối tác”, anh Tôn cho biết.
Năm 2011, anh quyết định vay mượn tiền tiếp tục sang Mỹ. Với doanh nghiệp “non trẻ” như của anh, hầu hết các đối tác quay lưng. "Tôi khẳng định sẽ xuất trước cho phía bạn một container hàng mà chưa cần trả tiền, sau đủ điều kiện sẽ hợp tác”, anh kể.
Khi ấy, một cotainer sản phẩm là cả vốn liếng công ty, nếu phía bạn không hồi âm, coi như phá sản. Rất may, sau đó đối tác liên lạc lại và gửi tiền, đồng thời mở ra sự hợp tác để đưa sản phẩm sang châu Âu. Nhận thấy thị trường Hoa Kỳ có tính bền vững hơn nên anh tiếp tục khăn gói sang tìm đến các công ty nhập hàng thủ công mỹ nghệ để xúc tiến.
Đến thời điểm hiện tại, công ty của anh đã có 4 đối tác truyền thống, đều là các công ty lớn tại Hoa Kỳ đang duy trì nhập hàng hằng tháng. Trung bình mỗi tháng công ty anh xuất 50 đến 60 container, với hơn 50 mẫu sản phẩm, doanh thu từ 120 đến 150 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, công ty của anh cũng giải quyết việc làm cho hơn 40 công nhân làm việc tại xưởng, hơn 3.000 lao động trong và ngoài huyện Nga Sơn, thu nhập giao động từ 4 đến 8 triệu đồng/tháng.
Lê Dương